Vĩnh Phúc khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh tại quán bar Sunny
Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh xảy ra tại quán bar Sunny (TP Phúc Yên).
Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc trưa nay (11/5) xác nhận thông tin trên và cho biết, cơ quan công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây ra hậu quả nghiêm trọng theo điều 295 bộ luật Hình sự.
"Hậu quả cụ thể đối với quán bar Sunny là đã làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xem xét khởi tố bị can", Đại tá Khoa nói.
Cơ sở kinh doanh bar, karaoke Sunny chính là nơi có nhiều nhân viên và khách đến quán nhiễm Covid-19, khiến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trở lên phức tạp, khó lường.
Tình hình trên buộc tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện giãn cách xã hội toàn TP Vĩnh Yên và phong tỏa các thôn có ca nhiễm Covid-19. Tỉnh này cũng kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức độ cao nhất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 59 ca mắc Covid-19, đa phần trong số đó đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến quán bar Sunny này.
Trước đó, ngày 4/5, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Phúc Yên ra văn bản thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hộ ông Vũ Tiến Thành - chủ cơ sở quán bar Sunny.
Quyết định thu hồi dựa trên căn cứ văn bản làm việc lập ngày 30/4 của Công an TP Phúc Yên với cơ sở bar, karaoke Sunny và căn cứ công văn đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh của hộ ông Vũ Tiến Thanh của Công an TP Phúc Yên.
Lý do thu hồi giấy phép được ban hành sau khi cơ quan chức năng xem xét tính chất vi phạm của hộ kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng đến xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Công an TP Phúc Yên chỉ ra sai phạm trong hoạt động kinh doanh của hộ ông Vũ Tiến Thành không đúng thực tế số lượng lao động đã đăng ký. Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 5 người, qua kiểm tra thực tế số lượng lao động trong cơ sở là 24 người.
Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.