Vĩnh Phúc: Kiểm tra một số lĩnh vực Tư pháp tại cơ sở

Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và tổ chức thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 tại Vĩnh Tường, UBND huyện Sông Lô và 14 đơn vị cấp xã của huyện Vĩnh Tường, huyện Sông Lô.

Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên; việc bầu, công nhận hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giả; nâng cao năng lực cho hòa giải viên, hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; việc tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thuận lợi, khó khăn,vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị của địa phương đối với công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế hồ sơ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hồ sơ trong công tác hòa giải ở cơ sở và các tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

Qua kiểm tra cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm triển khai thực hiện.

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Việc bầu, công nhận hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện theo quy định. Có sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong trong công tác hòa giải. Tuy nhiên, một số Tổ hòa giải chưa thường xuyên ghi, cập nhật sổ theo dõi hoạt động hòa giải, ghi sổ không đầy đủ thông tin, đúng hướng dẫn, còn sửa chữa, tẩy xóa nhiều. Cuối năm chưa thực hiện xác nhận chốt sổ theo dõi hoạt động hòa giải cuối năm theo quy định; lưu trữ hồ sơ vụ việc hòa giải chưa đầy đủ; tỷ lệ vụ, việc hòa giải được hỗ trợ thù lao cho hòa giải viên còn thấp.

Đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tại cấp huyện đã ban hành kế hoạch triển khai, hướng dẫn phân công công chức Tư pháp- Hộ tịch làm đầu mối tham mưu lãnh đạo UBND xã, thị trấn triển khai thực hiện đến các ban, ngành đoàn thể; bộ phận chuyên môn có liên quan. UBND các đơn vị cấp xã được kiểm tra đã phân công cụ thể các công chức đầu mối để phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy, sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, bộ phận chuyên môn chưa phối hợp nhịp nhàng việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn chậm; một số chỉ tiêu, tiêu chí điểm số chưa cao như: Tỷ lệ các vụ, việc hòa giải thành/tổng số vụ, việc đã tiếp nhận; một số chỉ tiêu chưa có đầy đủ tài liệu kiểm chứng như việc triển khai các mô hình PBGDPL, hòa giải hiệu quả…

Phát biểu kết luận tại các buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp- Trưởng đoàn kiểm tra đã ghi nhận những kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và tổ chức thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị được kiểm tra, đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên trong Đoàn kiểm tra, hoàn thiện báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra.

Để triển khai và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng chí đề nghị các đơn vị được kiểm tra cần quan tâm triển khai một số nội dung sau đây: Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các các đoàn thể trong công tác hòa giải, thường xuyên tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên, đặc biệt quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải, hòa giải viên, các vụ việc hòa giải bảo đảm đúng các mức chi và hồ sơ, thủ tục theo quy định, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình đối với công tác hòa giải ở cơ sở …

Đối với công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ nếu có khó khăn, vướng mắc thì cần kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp trên hướng dẫn kíp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của xã cần được thực hiện nghiêm túc, sát sao hơn nữa, phân công rõ trách nhiệm của các công chức chuyên môn có liên quan trong phụ trách, theo dõi, chấm điểm từng tiêu chí, chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chuyên môn đang thực hiện.

Phan Bích

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vinh-phuc-kiem-tra-mot-so-linh-vuc-tu-phap-tai-co-so-post482799.html