Vĩnh Phúc: Liên kết nuôi bò sữa, quê nghèo đổi đời
Từng là vùng quê nghèo đói, nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhờ chăn nuôi bò sữa theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mà người nông dân xã Vĩnh Thịnh có cơ hội đổi đời, trở thành tỷ phú.
Không còn hình ảnh những ruộng mía, ruộng ngô cằn cỗi, về xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) những năm gần đây sẽ thấy những ruộng cỏ xanh mướt bạt ngàn. Cỏ voi ở đây phủ kín các chân ruộng cao thấp từ đầu làng tới cuối làng. Cùng với đó là những ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát nhìn chẳng khác nào biệt thự. Cuộc sống của người dân vùng quê nghèo nay đã đổi thay khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Bỏ mía, ngô chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa
Ngồi thảnh thơi uống nước sau khi vừa chở sữa ra trạm thu mua ở đầu làng cân bán, ông Tăng Đình Dậu – một hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh khoe rằng đều đặn mỗi ngày chở khoảng 2 tạ sữa đi bán nên vài năm gần đây, sau khi trừ hết chi phí ông lãi khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Ông kể, trước đây quê ông vốn nghèo vì là vùng đất bãi ven sống. Trồng ngô, lúa, mía vất vả mà mỗi năm chỉ thu được vài trăm ngàn đồng một sào. Thế nên, để nuôi được mấy đứa con, những ngày nông nhàn vợ chồng ông phải đi làm thuê cuốc mướn khắp nơi rồi nhận lại được khoản tiền công bèo bọt.
Mãi đến năm 2007, ông quyết định vay mượn tiền mua 6 con bò sữa về nuôi. Cuộc sống của gia đình ông bắt đầu ổn định từ đó. Sau bò đẻ ra nhân nuôi dần lên đến nay đã được 24 con.
Chỉ vào đàn bò sữa đang ăn cỏ, ông Dậu cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, gia đình ông đã có của ăn của để vì chăn nuôi theo hướng liên kết. Tức ông ký hợp đồng bán sữa cho doanh nghiệp với giá ổn định. Hàng ngày ông chở sữa qua trạm thu mua bán cho họ, tiền sẽ được thanh toán qua tài khoản vào một ngày cố định, mỗi tuần một lần.
Song, ông phải nuôi theo quy trình nghiêm ngặt của họ đưa ra. Từ thức ăn cho ăn như nào, chuồng trại ra làm sao cho đến kỹ thuật vắt sữa, vệ sinh chuồng trại hàng ngày…
Chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh cùng thừa nhận, trước kia gia đình chị từng nghèo nhất làng, phải đi làm thuê mãi bên sông để lấy khoản tiền công 7.000-9.000 đồng/ngày. Về sau chuyển sang chăn nuôi vịt, lợn thì lại thua lỗ, nợ đầm đìa.
Từ ngày nuôi bò sữa, công việc tuy vất vả, luôn chân luôn tay, sáng dậy từ 4 giờ, tối 7 giờ mới xong việc, nhưng đổi lại thu nhập của gia đình chị lại rất ổn định.
“Ở xã này các hộ nuôi bò đều có liên kết bán sữa cho doanh nghiệp. Sữa bán giá cũng ổn định hơn, không có tình trạng đổ bỏ hay bán sữa giá rẻ”. Chị nói và cho biết, đàn bò nhà chị hiện tại có 30 con, 22 con bò đang cho vắt sữa với số lượng lên tới 5 tạ sữa/ngày.
Số sữa này đem cân bán hết cho doanh nghiệp với giá 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình chị lãi khoảng 150 triệu đồng, một năm đút túi khoảng 1,8 tỷ đồng. Gần đây, gia đình chị còn bán phân bò nên mỗi tháng chị thu thêm chục triệu đồng nữa.
“Tiền lãi từ nuôi bò xây được nhà cửa khang trang, sắm được thêm chiếc ô tô với xe máy để đi lại cho thuận tiện. Cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định, không còn đói nghèo đong ăn từng bữa như trước nữa”. Chị Đoan tiết lộ, vợ chồng chị đang đổ đất lấp chiếc ao bên cạnh trang trại để xây thêm chuồng nuôi bò. Các anh em bên nhà chồng chị cũng tích cực mở rộng quy mô đàn bò của gia đình mình nhằm tăng thêm thu nhập.
Vùng quê nghèo nay đổi đời thành làng tỷ phú
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh - thừa nhận, trước đây cuộc sống của bà con nông dân trong xã rất bấp bênh. Trồng lúa, ngô, mía nhưng kém hiệu quả. Người dân trong vùng lại phải đi khắp nơi làm thuê làm mướn.
Ông Khánh cho biết, nghề nuôi bò sữa ở quên ông bắt đầu từ năm 2000. Tuy nhiên, thời kỳ đó quy mô nuôi vẫn còn nhỏ, mỗi hộ chỉ nuôi 5-7 con, chăn nuôi lại thủ công. Song con bò sữa khi đó đã giúp người dân ổn định cuộc sống, không còn chạy vạy đong ăn từng bữa.
Còn khoảng chục năm đổ lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương thực sự bùng nổ. Người dân tích cực mở rộng quy mô đàn bò, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy móc nhiều hơn. Do đó, sản lượng sữa tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê mới nhất của xã Vĩnh Thịnh, hiện toàn xã có khoảng 1.200 hộ dân tham gia nuôi bò sữa (chiếm 60% số hộ trong xã) với tổng đàn bò lên tới trên 9.000 con. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 15-20 con, hộ nuôi nhiều thì 30-40 con bò.
6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng sữa đạt tới gần 12.000 tấn. Năm 2018, sản lượng sữa ước đạt 30.000 tấn, doanh thu lên tới 400 tỷ đồng. Theo đó, các hộ nuôi bò sữa ở xã mỗi tháng thu lãi vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán sữa bò là chuyện bình thường.
“Con bò sữa đã giúp người dân nơi đây thực sự đổi đời”. Ông Khánh cho biết, rất nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa giờ trở thành tỷ phú, triệu phú. Đi dọc đường làng, nhà 2-3 tầng mọc lên san sát toàn là của các gia đình nuôi bò sữa. Nhiều gia đình còn mua được cả ô tô tiền tỷ để đi lại cho thuận tiện.