Vĩnh Phúc: Nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) và những vấn đề đặt ra
Trải qua đoạn trường 24 năm phát triển bò sữa theo quy hoạch của tỉnh, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) hiện có hơn 2.000/3.000 hộ nuôi gần 10.120 con bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng bình quân hơn 100 tấn sữa/ngày cho Vinamilk và Công ty sữa Cô gái Hà Lan.
Với giá từ 14.000 đến 15.000đ/kg, sản phẩm sữa hàng hóa này đã đem lại nguồn thu cho những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh bình quân trên 1 tỷ đồng/ngày, nếu tính cả năm thu từ sản phẩm sữa tươi là trên 300 tỷ đồng, một nguồn thu không hề nhỏ từ một xã thuần nông chuyển sang sản xuất hàng hóa để thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Hạch toán chi li trung bình, một con bò sữa + hai sào cỏ + cám bã cho thu 8 tấn sữa, trị giá khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí từ 40 đến 50%, được lãi ròng từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, hơn gấp mấy lần so cấy lúa và trồng màu, kể cả một số ngành nghề khác.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Phụng Xuân cho biết, hiện nay ở Vĩnh Thịnh, hộ nuôi ít từ 4 đến 5 con, hộ nuôi nhiều từ 60 đến 70 con bò sữa thu nhập cả tỷ đồng/năm như các hộ ông Nguyễn Duy Toàn, Nguyễn Văn Bình thôn Khách Nhi Xuôi; hộ ông Nguyễn Văn Hưng thôn Trại Trì; hộ ông Vũ Văn Dụng thôn An Hạ nuôi 45 con; hộ ông Hồ Văn Điệp ở thôn An Lão nuôi 30 con…
Cũng như các ngành nghề khác, nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trong quá trình hình thành, phát triển đàn bò sữa ở Vĩnh Thịnh có hai năm là 2003 và 2008, do tác động của khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu, gặp khó khăn về “đầu ra” của sản phẩm sữa, đã có lúc giá thành sữa xuống rất thấp, chăn nuôi bò sữa bị lỗ nặng, nhất là năm 2008. Sau đó, được Vinamilk hỗ trợ, đàn bò sữa ở Vĩnh Thịnh được duy trì, hồi phục, phát triển.
Không thể phủ nhận nghề chăn nuôi bò sữa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã Vĩnh Thịnh. Những biệt thự, nhà mái bằng cao tầng ở Vĩnh Thịnh mọc lên ngày càng nhiều, đều là những hộ chăn nuôi bò sữa tạo ra sản phẩm hàng hóa. Nhiều hộ còn mua sắm được ô tô đắt tiền để đi lại phục vụ sản xuất, kinh doanh thuận tiện. Do đó, nhiều hộ dân ở Vĩnh Thịnh đều ghi nhớ công lao của người đưa nghề nuôi bò sữa về đây, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng.
Điều đáng mừng, về thăm vùng đất Vĩnh Thịnh hôm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự hình thành và phát triển hai năm nay của Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh do Kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Tiến Lộc làm giám đốc, đơn vị tiên phong trong xây dựng thương hiệu sữa cho quê hương Vĩnh Thịnh nói riêng và Vĩnh Tường nói chung. Bước đầu Công ty đã cho ra đời 50 tấn sản phẩm/tháng mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường” - các sản phẩm từ sữa được sản xuất theo quy trình ủ lên men tự nhiên từ sữa bò tươi 100% nguyên chất và các nguyên liệu tự nhiên, 100% không sử dụng chất bảo quản, đây cũng là giải pháp góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở Vĩnh Tường cung ứng cho học sinh các trường học hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và TP Phúc Yên. Các sản phẩm mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường” giữ lại trọn vẹn lượng Vitamin và khoáng chất từ sữa bò tươi nguyên chất. Do sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị, tạo hương, phẩm màu hay bất kỳ chất phụ gia nào khác nên yêu cầu về bảo quản và vận chuyển sản phẩm cũng đòi hỏi tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt để giữ được phẩm chất của sản phẩm tốt nhất (Sản phẩm luôn được bảo quản trong điều kiện lạnh ở nhiệt độ 2 - 4 độ C; nên vận chuyển bằng xe chuyên dụng hoặc có thể vận chuyển bằng các thiết bị bảo ôn như thùng xốp, thùng giữ nhiệt,…).
Công ty đã nhập ngoại thiết bị đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu; quy trình sản xuất được thực hiện khép kín, được cấp chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018 về sản xuất sữa chua ăn, sữa chua uống, sữa thanh trùng, caramen và bánh sữa với tổng công suất 1.500-2.000 tấn sản phẩm/năm cung ứng cho các trường học ở TP Vĩnh Yên, các huyện còn lại của tỉnh Vĩnh Phúc, hướng tới thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đàn bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh hiện chiếm 80% tổng đàn bò sữa trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng sản lượng sữa của Vĩnh Phúc ước đạt hơn 24 nghìn tấn mỗi năm. Do vậy, việc phát triển cơ sở chế biến các sản phẩm sữa tại địa phương như các sản phẩm mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường” là xu hướng phát triển phù hợp nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị các sản phẩm sữa Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Vấn đề đặt ra là vệ sinh môi trường sinh thái khi phát triển đàn bò sữa phân tán tại các gia đình ở Vĩnh Thịnh cũng như các địa phương khác ở huyện Vĩnh Tường. Điều nan giải này đã ló rạng cách giải quyết. Hiện đã có vài ba hộ ở Vĩnh Thịnh mua ô tô chuyên dụng đi thu gom phân bò sữa thải ra để bán cho các nông trại lớn chế biến thành phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng thay cho phân hóa học nhưng không đáng kể. Các hộ đều có hầm biogas lấy khí đốt nhưng cũng chỉ giải quyết một phần rất nhỏ chất thải từ bò sữa. Tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường đã có chỉ đạo xã Vĩnh Thịnh chuyển đàn bò sữa nuôi tại các gia đình ra nuôi tại khu tập trung theo quy mô từng thôn xóm nhưng chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Nguyên nhân chính là chưa thống nhất giải quyết được mặt bằng khu chăn nuôi tập trung cho từng thôn. Trên thực tế, tỉnh và huyện cũng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho các hộ chăn nuôi bò sữa chuyển từ nuôi tại các gia đình ra nuôi tập trung theo quy mô từng thôn xóm như mặt bằng chuồng trại, đường điện, bể xử lý chất thải chung, đường giao thông đến khu chăn nuôi tập trung.
Có giải quyết được những vấn đề nêu trên mới giúp Vĩnh Thịnh tiếp tục phát triển làng nghề chăn nuôi bò sữa công nghệ cao gắn với chế biến sản phẩm bằng nguồn nguyên liệu sạch tại chỗ trở thành điểm du lịch sinh thái, vừa nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vừa bảo vệ môi trường sinh thái không bị ô nhiễm cho người dân nơi đây.