Vĩnh Phúc sẵn sàng cho 'ngày hội non sông'
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đang đến gần. Hiện công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được tỉnh Vĩnh Phúc lên phương án sẵn sàng.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về chuẩn bị và triển khai tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tỉnh ủy, các Huyện, thành ủy; Đảng ủy các xã, phường, thị trấn; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản và tổ chức thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh theo đúng luật định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập Ủy ban bầu cử theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác bầu cử. Về việc thành lập các Ủy ban bầu cử, ngày 13/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc (số 59/QĐ-UBND). Đến ngày 19/01/2021, 9/9 Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, UVBCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm tra công tác bầu cử tại điểm bầu cử số 1.
Đến ngày 20/01/2021, 136/136 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Ủy ban bầu cử. Thời gian thành lập Ủy ban bầu cử các cấp đều sớm hơn so với thời gian theo luật định (luật quy định chậm nhất ngày 7/02/2021) và đảm bảo theo Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 21/01/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh.
Ủy ban bầu cử tỉnh cũng đã kiểm tra tất cả các quyết định thành lập Ủy ban bầu cử của cấp huyện, cấp xã. 100% quyết định đều đảm bảo về số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử theo quy định của luật (cấp tỉnh có từ 21 đến 31 thành viên, cấp huyện có từ 11 đến 15 thành viên, cấp xã có từ 9 đến 11 thành viên). Đến ngày 14/3/2021, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập xong tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân một Ban bầu cử theo đúng quy định.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.165 Ban bầu cử (02 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 13 Ban bầu cử HĐND tỉnh, 88 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.062 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã). Qua kiểm tra, các Ban bầu cử đều đảm bảo số thành viên theo quy định của Luật. Đến ngày 3/4/2021, Ủy ban nhân dân 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã Quyết định thành lập 1.104 Tổ bầu cử (hoàn thành sớm hơn 02 ngày so với Luật định).
Ngày 13/4/2021, Ủy ban nhân dân 136 xã, phường, thị trấn đã niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Ông Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiểm tra công tác bầu cử tại khu cách ly.
Đến ngày 12/5/2021 kết thúc việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của nhân dân về danh sách cử tri. Công tác tuyên truyền về bầu cử được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện, được triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo theo các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch số 01/KH-UBBC, ngày 21/01/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh và Kế hoạch số 02/KH-TBVBPL&TTTT ngày 26/2/2021 của Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền về Cuộc bầu cử, trong đó công tác tuyên truyền bầu cử tập trung vào 03 đợt phù hợp với từng giai đoạn, tiến độ công việc bầu cử và gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Đợt 1 từ tháng 2/2021 đến hết tháng 3/2021 tập trung về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; Đợt 2 từ 4/2021 đến ngày bầu cử 23/5/2021 tập trung tuyên truyền quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, tiêu chuẩn người ứng cử, cổ vũ, động viên mọi người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…
Đợt 3 sau ngày bầu cử tập trung thông tin, tuyên truyền về kết quả bầu cử, danh sách những người trúng cử sau khi được cấp có thẩm quyền công bố chính thức; kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử…
Tiểu ban an ninh, trật tự và Y tế cũng đã ban hành Chương trình Hành động đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cuộc bầu cử (số 01/CT-TBANTTYT ngày 09/02/2021) để triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, phát hiện đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử, gây rối an ninh, trật tự, trọng tâm là các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội quan trọng của tỉnh; địa bàn đặt trụ sở của Ủy ban bầu cử, nơi đặt hòm phiếu, nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên; trọng điểm là các địa bàn đang có phức tạp về an ninh trật tự; đồng thời đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Tiểu ban và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong kế hoạch tại địa bàn được phân công; trực tiếp có mặt để chỉ đạo, xử lý tình hình phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở.
Sở Y tế đã gửi công văn khẩn chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh nhất là dịch bệnh Covid-19 có thể xảy ra trước trong và sau bầu cử tại các địa điểm bầu cử trên địa bàn đơn vị quản lý; thành lập tổ cấp cứu tại các đơn vị bầu cử (nếu cần thiết).
Điểm bầu cử số 4 đã sẵn sàng.
Đến nay, tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội, Y tế trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn ổn định. Không có các dịch bệnh truyền nhiễm, công tác phòng chống dịch Covid-19 được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao, thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có một số địa bàn cấp thôn, cấp xã tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng dồn thửa đổi ruộng… có thể liên quan, ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Vì vậy, để đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ an toàn cho cuộc bầu cử, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường rà soát, nắm vững tình hình, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Để công tác bầu cử được tổ chức thành công, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: tổ chức tốt việc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho thành viên các Tổ chức bầu cử ở cơ sở; Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở địa phương; Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử; rà soát địa điểm bỏ phiếu, hòm phiếu, trang trí khu vực bên ngoài và bên trong phòng bỏ phiếu, con dấu, điện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở... để có phương án sửa chữa, củng cố kịp thời đảm bảo phục vụ tốt cho công tác bầu cử; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế, đặc biệt tại các đại bàn trọng điểm; Xây dựng các phương án phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ hiệu quả để bảo tổ chức ngày bầu cử thành công, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân...
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vinh-phuc-san-sang-cho-ngay-hoi-non-song-post134762.html