Vĩnh Phúc: Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xác định được tầm quan trọng đó, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, góp phần tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

 Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (ngày 9-5-2024). Ảnh:Báo Vĩnh Phúc

Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (ngày 9-5-2024). Ảnh:Báo Vĩnh Phúc

Chỉ đạo bài bản, quyết liệt

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 19-6-2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 17-8-2023 về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó đã cụ thể hóa 38 nhiệm vụ, giao cụ thể từng nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tiêu chuẩn các ĐVHC cấp huyện, cấp xã một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, thận trọng, nhất là các ĐVHC có yếu tố đặc thù. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác.

UBND các huyện, thành phố đã rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp xã và xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Theo Đề án của tỉnh, giai đoạn 2023-2025 Vĩnh Phúc sẽ thực hiện sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã thành 13 đơn vị tại 6 huyện, thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô. Sau sắp xếp, tỉnh sẽ có 9 huyện, thành phố và 121 xã, phường, thị trấn (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn); giảm 15 ĐVHC cấp xã so với trước khi sắp xếp.

Vĩnh Tường là huyện có số xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất của tỉnh (10 xã). Bởi vậy ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 223/KH-UBND, Huyện ủy và UBND huyện Vĩnh Tường đã đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng, ban hành đề án, kế hoạch về sắp xếp ĐVHC cấp xã. Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, lồng ghép tại các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, kết hợp tuyên truyền lưu động đến từng thôn, tổ dân phố, gặp gỡ trực tiếp người dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá điều kiện địa lý, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tương đồng và việc làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đến 30-3-2024, cả 15/15 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri, với 88,86% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập và tên gọi mới sau sáp nhập.

Tính đến hết tháng 3-2024, cả 28 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp trên toàn tỉnh đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri. Trong đó, có 91,6% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập và tên gọi mới sau sáp nhập.

Giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp

Các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức sau sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng cán bộ, công chức cấp xã của 28 ĐVHC thực hiện sắp xếp là 502 người, trong đó 280 cán bộ, 222 công chức. Trong số này, có 273 người sẽ được bố trí tại 13 xã mới hình thành sau sắp xếp (143 cán bộ, 130 công chức). Đối với 229 cán bộ, công chức và 64 người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư, tỉnh sẽ điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Riêng đối với trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi, quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Cân đối, bố trí nguồn ngân sách đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế tại địa phương.

Huy Nam

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/to-chuc/vinh-phuc-tao-su-dong-thuan-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-21777