Vĩnh Phúc thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 20.650 tỷ đồng
Sáng 12.7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVII đã khai mạc Kỳ họp thứ 7. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp về phía Trung ương có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương…
Về phía tỉnh có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo sở ngành, địa phương…
9/17 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã thực hiện có hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, “mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó, kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến rõ nét, có sự hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế khá, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt trên 50% mục tiêu HĐND tỉnh giao năm 2022, trong đó, có 9/17 nhóm chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với mục tiêu đã đề ra.
Diễn ra trong 2 ngày, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xem xét, thảo luận báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; xem xét, thảo luận báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan; báo cáo của Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân…
Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết và phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường, thảo luận ở tổ, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề trọng tâm, bức xúc mà cử tri, Nhân dân quan tâm. Đây là hình thức hoạt động giám sát của HĐND, phát huy vai trò giám sát của cử tri và Nhân dân thông qua truyền hình trực tiếp tại kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng đạt 10,1%
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết: 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 46.062 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán; giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24.339 tỷ đồng, tăng 15,58 %, đóng góp 7,84 điểm % vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư 126,82 triệu USD và 7 dự án DDI có tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.338,42 tỷ đồng. Mặt khác, Vĩnh Phúc còn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Minh chứng cho điều này là năm 2021, chỉ số PCI tỉnh tăng 24 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ 5 cả nước.
Cùng với đó, hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng. Doanh thu du lịch ước đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 93,3% so cùng kỳ. Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5, toàn tỉnh đón trên 80 nghìn lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 9.925 lao động, đạt 58,4% kế hoạch. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết: Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó, đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 trên địa bàn tỉnh; bảo đảm nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất.
Cùng với đó, bám sát tình hình, kịp thời điều hành dự toán ngân sách phù hợp. Tăng cường quản lý thu ngân sách phấn đấu hoàn thành dự toán năm 2022 đã được HĐND tỉnh thông qua. Quản lý, điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương phân khai chi tiết nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, thường xuyên bám sát để giải quyết, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đồng thời, tập trung hoàn thiện Đề án phát triển thương mại điện tử đến năm 2030; hoàn thành các quy hoạch; triển khai hiệu quả công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính và tư pháp…
Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả đạt được của Vĩnh Phúc thời gian qua, nhất là việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Bộ trưởng cũng thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị thế giới; đặc biệt, là sự xuất hiện biến chủng Covid-19 mới tại một số nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng. Do đó, Việt Nam cần thận trọng, không được chủ quan trước dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, tình trạng tập hợp lực lượng giữa các nước lớn hiện nay rất phức tạp. Hiện, các nước đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau như: An ninh toàn cầu; khuôn khổ kinh tế... Điều này, đỏi hỏi Việt Nam cần tìm cách ứng xử hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Thế lực của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, đặc biệt thời gian gần đây, các nước đều đánh giá Việt Nam là đất nước tự cường. Điều này chứng tỏ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất cao. Đây chính là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn đến với Việt Nam. Trong giai đoạn mới, Việt Nam xác định tiếp tục giữ vững môi trường, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.