Vĩnh Phúc: tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác dân số, nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại và hạn chế hiện nay.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, công tác dân số đã được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và địa phương quan tâm triển khai, được người dân đồng tình ủng hộ, và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhận thức của người dân đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Ngày càng nhiều người sinh con đúng theo chính sách dân số, phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế. Tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh và trẻ được sàng lọc sơ sinh luôn vượt kế hoạch giao; tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số tại Vĩnh Phúc còn tồn tại một số hạn chế: kết quả giảm sinh không đồng đều giữa các địa phương, thiếu các giải pháp đồng bộ và toàn diện để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Mặc dù chất lượng dân số đã được cải thiện, nhưng tốc độ vẫn còn chậm, đặc biệt là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao với 114 bé trai/100 bé gái.
Để khắc phục những tồn tại này, UBND tỉnhVĩnh Phúc yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở theo Quyết định 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021.
Tăng cường truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân số, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông, trong đó chú trọng đến các vấn đề bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cũng như khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tập trung vào các giải pháp để đạt chỉ tiêu kế hoạch và duy trì mức sinh thay thế bền vững; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Thời gian trình UBND tỉnh trong quý II/2025.
Bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác dân số
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan đưa các chỉ tiêu dân số vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo thực hiện công tác dân số.
Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước, đảm bảo hoạt động cho công tác dân số ngoài nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc quản lý lồng ghép nội dung giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính cho học sinh, sinh viên trong nhà trường, bảo đảm nội dung phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn cung cấp đầy đủ các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số: khám sức khỏe trước kết hôn cho nam nữ thanh niên, sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh cơ bản, sàng lọc sơ sinh đủ 5 bệnh cơ bản, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi.
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân lực làm công tác dân số, bố trí đủ nguồn lực làm công tác dân số tại địa phương.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-ty-le-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-o-muc-cao.html