Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh lập bệnh viện dã chiến để cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV
Để tránh lây lan dịch bệnh khi đã có chín trường hợp dương tính với virus corona trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thành lập hai bệnh viện cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân đặt tại Trường Quân sự tỉnh và Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai khu vực tiếp nhận và cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính với virus corona ở Trường Quân sự tỉnh tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên với quy mô khoảng 200 người. Ngày 10-2, khu vực này sẽ bắt đầu tiếp nhận những trường hợp đầu tiên chuyển đến để giám sát và theo dõi sức khỏe. Tại khu vực cách ly, những người chuyển đến sẽ được cung cấp các vật dụng cá nhân; hằng ngày ăn theo chế độ như quân nhân. Mọi chi phí đều được miễn phí theo quy định.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong trường hợp số người phải cách ly tăng lên, đơn vị sẽ tiếp tục sử dụng các dãy nhà khác của Trường Quân sự tỉnh để triển khai mở rộng khu vực cách ly, khi đó số lượng người được cách ly tại khu vực này sẽ đạt hơn 400 người. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu triển khai các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu cách ly phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Trường Quân sự tỉnh sẽ là nơi đón 249 trường hợp để theo dõi khi có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính nCoV.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chín trường hợp dương tính nCoV (huyện Bình Xuyên bảy trường hợp; huyện Tam Dương một trường hợp; huyện Tam Đảo một trường hợp). Trong đó, một trường hợp đang được theo dõi và cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên; hai trường hợp được theo dõi và cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên); một trường hợp được theo dõi và cách ly tại Trung tâm Y tế Tam Đảo. Năm trường hợp được theo dõi và cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ngoài ra, hiện tỉnh có 54 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly ở các cơ sở y tế trong tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị: Trường Quân sự tỉnh; Trường Quân sự Quân khu 2; Lữ đoàn 204, Binh Chủng pháo binh tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khử trùng để tiến hành lắp đặt các thiết bị kỹ thuật phục vụ đón người bệnh. Đây là địa điểm cơ sở hạ tầng đã có sẵn, khuôn viên rộng rãi, xa khu dân cư, tiện đường đi lại. Đó là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc có thể quản lý, cách ly và tập trung chữa bệnh theo đúng phương thức khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Sở Y tế đã bố trí nhân lực cho bệnh viện dã chiến trên cơ sở các tổ phản ứng nhanh, trong đó, nòng cốt và chịu trách nhiệm vận hành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt trong việc thực hiện cách ly tập trung, không tiến hành cách ly tại cộng đồng; tăng cường công tác rà soát, quản lý đối với những người Vĩnh Phúc đi làm ăn ở Trung Quốc trở về trước Tết; có giải pháp bảo đảm tài sản cho các hộ thực hiện cách ly. Đối với tâm dịch của Vĩnh Phúc tại huyện Bình Xuyên, tỉnh yêu cầu huyện công bố ít nhất hai số điện thoại đường dây nóng; thực hiện cách ly đối với những người hợp có nguy cơ lây nhiễm cao; duy trì các chốt ra vào tại xã Sơn Lôi và các khu công nghiệp; thực hiện kiểm soát 100% các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch tại các địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện khoanh vùng, cách ly các ổ dịch bằng cách thành lập các chốt kiểm tra, giám sát việc ra, vào; kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Tính đến nay, tỉnh đã cấp hơn 15,3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị kịp thời một tấn hóa chất Cloramin B để tổ chức phun khử trùng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã cấp cho tỉnh 100 kg Cloramin B và 100 bộ đồ phòng dịch. Tỉnh đã thành lập bốn đoàn kiểm tra, do bốn Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
* Sau gần một tuần triển khai, sáng 10-2, bệnh viện dã chiến số 1 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV của thành phố, sớm hơn một ngày theo kế hoạch.
Bệnh viện dã chiến đầu tiên nằm ở ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi với quy mô 300 giường (nằm trong khu vực Trường Quân sự TP Hồ Chí Minh). Sở Y tế chịu trách nhiệm xây dựng bộ khung quản lý tại khu cách ly tập trung, xây dựng quy trình tiếp nhận, quy trình tổ chức hoạt động bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về phía ngành y tế, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chịu trách nhiệm chính về bộ khung quản lý và vận hành các quy trình tiếp nhận, quy trình tổ chức hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Về nguồn nhân lực tham gia vận hành bệnh viện dã chiến, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều động nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến.
Theo Phó Giám Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh điều động. Lần lượt các bệnh viện thành phố và bệnh viện quận, huyện sẽ cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến, tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Do bệnh viện dã chiến có vị trí rất gần Bệnh viện huyện Củ Chi, Sở Y tế và UBND huyện Củ Chi thống nhất chọn bệnh viện huyện Củ Chi là bệnh viện tham gia hỗ trợ nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng) cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong giai đoạn đầu mới triển khai bệnh viện dã chiến.
Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hai bệnh viện dã chiến tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) và xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) với quy mô 500 giường nhằm phòng, chống dịch nCoV.