Vĩnh Phúc: Văn Miếu hơn 300 tỷ xây 7 năm chưa xong- ai chịu trách nhiệm?
Văn Miếu Vĩnh Phúc được đầu tư 270,9 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước với kỳ vọng trở thành một công trình văn hóa tạo điểm nhấn cho thành phố Vĩnh Yên. Nhưng sau hai năm sử dụng, công trình này không chỉ hoang vắng mà còn xuống cấp thảm hại.
Năm 2012, tỉnh Vĩnh Phúc dành hơn 4,2ha đất tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên để xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc. Công trình được đầu tư 270,9 tỷ đồng với các hạng mục: Tứ trụ, Cầu đá, Nhà che bia tổng, Hồ Thiền Quang, Nhà bia hai bên Tả-Hữu, Đại thành môn, Gác chuông, Gác trống, Nhà tả vu-hữu vu, Sân hành lễ, Đền thờ chính, Đại bái, Hậu cung, Nhà làm việc Ban quản lý, hệ thống hạ tầng và sân vườn...
Sau khi hoàn thành công trình kỳ vọng sẽ tôn lên vẻ đẹp của TP Vĩnh Yên và trở thành một công trình văn hóa mang đậm giá trị nhân văn và có ý nghĩa lâu dài đối với hậu thế.
Đến ngày 1/1/2017, công trình đã được tỉnh này gắn biển chào mừng sự kiện 20 năm tái lập tỉnh, 65 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng, đến nay sau 2 năm sử dụng người dân không khỏi phàn nàn khi công trình này xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác và vắng người.
Mới đây, khi trở lại công trình này, trước cổng Văn Miếu các công nhân vẫn đang thi công ghép gạch vỉa hè, trông ngổn ngang, lộn xộn. Bên ngoài cổng còn có gắn biển "Công trình chào mừng 20 năm tài lập tỉnh Vĩnh Phúc (01/01/1997-01/01/2017)".
Đi sâu vào phía trong công trình này vắng lặng không một bóng người. Đáng chú ý, bên trong Văn Miếu nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm. Ngay phía trong cổng là cầu đá, phía dưới nước tù, đặc quánh ô nhiễm.
Tiếp đến là giếng Thiền Quang được ví như tấm gương soi hình bóng tiền nhân hiện về. Nhưng ngược lại hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được tại đây chỉ là một giếng nước vàng đục nhếc nhác, bao quanh giếng cỏ dại phủ kín.
Bên cạnh hai dãy nhà bia Tiến sĩ với 18 tấm bia phục chế trên lưng rùa khắc ghi tên tuổi, sự nghiệp, công danh của 86 vị đỗ đại khoa ngạch văn và 5 vị đại khoa ngạch võ của Vĩnh Phúc là những hố ga bật nắp toang hoác, gạch đá nhiều chỗ vỡ vụn, có hiện tượng bị lún đất…
Không những thế, vườn cây trang trí, cảnh quan của khu tâm linh vẫn đang ngổn ngang đất đá, nhà xưởng công trình đang thi công như một đại công trường.
Trước đó khi trả lời báo chí, ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, thừa nhận: "Vườn cây trang trí, cảnh quan của khu tâm linh mà không bằng cái vườn nhà. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu nhổ bỏ 131 cây còi cọc, không đủ tiêu chuẩn".
Ông cũng xác nhận nhiều công trình đã bị xuống cấp, nên dù sắp hết thời hạn bàn giao nhưng Sở không dám nghiệm thu. Điển hình là hồ Thiên Quang nằm ở vị trí trung tâm từ phía cổng vào, có yếu tố phong thủy của dự án đang bị thấm nước nhưng đơn vị thi công chưa sửa chữa.
Được biết, theo quyết định phê duyệt đầu tư của chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 10-2011, Văn Miếu được xây dựng tại khu đô thị Hà Tiên (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) trên diện tích 4,241 ha do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) làm chủ đầu tư.
Lý do để xây dựng Văn Miếu được thể hiện trong Tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở VHTTDL: "Là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại.
Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu..."
Ngoài ra, tại Vĩnh Phúc, khởi đầu có Văn Miếu phủ Tam Đới đời nhà Lê. Phủ này được thành lập vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông.
Đến năm 1822, khi tên phủ Tam Đới đổi thành phủ Vĩnh Tường, Văn Miếu phủ Tam Đới chuyển giao cho Vĩnh Tường quản lý rồi trở thành Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Yên (nay là TP Vĩnh Yên).
Do đó, "Việc xây dựng Văn Miếu ở Vĩnh Phúc là cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng; tưởng niệm các danh nhân văn hóa đạo cao đức trọng của Vĩnh Phúc và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc, của người Vĩnh Phúc".
Được biết, chủ trương đầu tư công trình này từng gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh hơn 1.000 di dích của tỉnh này, trong đó có 65 di tích quốc gia vẫn thiếu ngân sách để duy tu, bảo tồn, phải trông chờ vào nguồn xã hội hóa. Mặt khác, nhiều công trình y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng kéo dài nhiều năm nay do thiếu vốn ngân sách. Trách nhiệm trong quản lý, tham mưu đề xuất đầu tư và phân bổ ngân sách liên quan đến vai trò của ông Phạm Văn Vọng, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ đó.
2 năm trước, công trình xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc đã được làm lễ khánh thành (2017) dù còn ngổn ngang. Thế rồi đến hôm nay, sau 7 năm thi công, công trình có dự toán 270,9 tỷ đồng ban đầu đã đội vốn lên thành 314 tỷ mà vẫn chưa xong. Kiểm toán vào cuộc, dù chỉ mới "sờ" vào 4/7 công trình đã hoàn thiện mà đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm yêu cầu xuất toán. Báo chí mới đây cho biết, Văn Miếu Vĩnh Phúc được chia thành 7 gói thầu riêng rẽ. Hiện, 4/7 gói thầu đã hoàn thiện, được nghiệm thu và đều vượt khối lượng dự tính. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu phải thu hồi, xử lý số tiền hơn 27 tỷ đồng chi sai.
3 gói thầu còn lại chưa nghiệm thu là do chưa hoàn thiện, bao gồm: Nhà che bia và bia tiến sỹ; san nền tường rào ngoài, hồ Thiên Quang, nhà bia tổng, Đại Thành môn, gác chuông, gác trống, nhà ban quản lý, nhà vệ sinh; hạng mục sân vườn tổng thể, điện - nước phục vụ quần thể dự án.
Trước đây, dư luận từng phản ứng đề nghị không nên đưa bài vị Khổng Tử vào thờ tại Văn Miếu Vĩnh Phúc nay cộng với công trình xây 7 năm vẫn chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu nên dự án hơn 300 tỷ vẫn gần như bị bỏ hoang, gây bức xúc dư luận. Dư luận đề nghị cần phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những sai phạm dẫn đến công trình kém chất lượng và lãng phí ở nơi đây.