Vĩnh Phúc vững bước trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Sáng 10.12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh Khóa XVII đã long trọng khai mạc Kỳ họp thứ 19. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An dự và phát biểu.
Dự kỳ họp, về phía Trung ương có: Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương
Về phía tỉnh có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông…
14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến cho biết: Kỳ họp này có ý nghĩa quan rất trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được của năm 2024, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2025 năm cuối của nhiệm kỳ.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến, tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường, thảo luận ở tổ; tiến hành chất vấn và xem xét trả lời chất vấn đối với 3 lĩnh vực: Giáo dục, lao động thương binh xã hội, Công Thương, về những vấn đề mà cử tri, Nhân dân và dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết.
Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng, đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, dành thời gian thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết: năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật trên một số lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh có sự phục hồi tốt, tăng trưởng khá lên theo từng quý. Tốc độ tăng GRDP ước tăng 7,52 so với năm 2023; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 30.468 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chịu nhiều tác động không thuận, gặp nhiều khó khăn trong quý I, song đã liên tiếp tăng trưởng trong các quý còn lại để cả năm đạt mức tăng trưởng khá cao, tiếp tục là ngành chủ lực đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh.
Đáng mừng, dịch vụ du lịch năm 2024 khởi sắc, với số lượng khách tham quan đến tỉnh đạt 10,5 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023, với doanh thu ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực. Năm 2024, Vĩnh Phúc thu hút đầu tư vốn FDI đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch. Thu hút vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Về thành quả xây dựng nông thôn mới (NTM), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 190 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn NTM thông minh. Dự kiến đến hết năm 2024 toàn tỉnh có 200 thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn NTM thông minh, 42 xã NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu, 1 huyện NTM nâng cao.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Vĩnh Phúc cần phải đổi mới, bứt phá mạnh mẽ Theo đó, UBND tỉnh lựa chọn phương án tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh khoảng từ 8 - 9,0% để làm mục tiêu phấn đấu.
Để đạt được mục tiêu đó, Vĩnh Phúc sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành tổ chức, thực hiện đề án và quyết liệt xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh; tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư thực chất hơn và phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị và nông thôn mới; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động việc làm, bảo hiểm. Quản lý chặt chẽ tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Quyết tâm cao trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: Kết quả đạt được trong năm 2024 một lần nữa thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp.
Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung phân tích, nghiên cứu các báo cáo, đánh giá khách quan, thảo luận kỹ, toàn diện hơn nữa kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024 gắn với đánh giá việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, nhất là những hạn chế, yếu kém, tồn tại, khó khăn, vướng mắc...
Trên cơ sở đó, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025, năm cuối của nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo định hướng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương là Vĩnh Phúc sẽ kết thúc và giải thể 12 tổ chức Đảng, thành lập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; sáp nhập 2 ban xây dựng Đảng; kết thúc nhiệm vụ của 1 sở (Sở Ngoại vụ); hợp nhất 12 sở, cơ quan và tương đương; hợp nhất 5 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh còn 3 ban; nhập 5 công ty do Nhà nước quản lý thành 1 công ty. Như vậy, sau sắp xếp sẽ giảm được 10 tổ chức đảng, 1 ban đảng, 8 sở và giảm từ 6 - 7 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chủ trương tinh giảm tổ chức, bộ máy được xem như cuộc Cách mạng, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và rất mong chờ kết quả. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành sớm, trước khi tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp huyện và cấp tỉnh. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của một số cơ quan, tổ chức và cá nhân. Song, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”. Vì vậy, UBND tỉnh cần phải quyết tâm cao trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải mạnh mẽ, dũng cảm, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân, nhường lại vị trí cho người khác được giao nhiệm vụ theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn và coi đó như một sự cống hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại mới, kỷ nguyên mới.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh và HĐND các cấp thống nhất chủ trương này, đồng thời lan tỏa đến cử tri trong các kỳ tiếp xúc cử tri để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là trong bố trí cán bộ, thực hiện cơ chế chính sách của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng thời, sớm ban hành chính sách thuộc thẩm quyền cho những trường hợp “hy sinh” vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác phối hợp để trước hết là hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh cũng như chủ trương của Trung ương là “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.”