Vĩnh Phúc: xả tràn hồ Đại Lải chủ động ứng phó trước diễn biến mưa bão

Trước tình hình mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Phúc Yên xả tràn nước hồ Đại Lải xuống Cos +20,00m để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều tối 6/9 ngang 7/9 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lốc mạnh khiến nhiều cây cối đổ, gãy. Ảnh Hoàng Hùng.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều tối 6/9 ngang 7/9 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lốc mạnh khiến nhiều cây cối đổ, gãy. Ảnh Hoàng Hùng.

Xả tràn hồ Đại Lải đón lũ

Được biết, từ 7 giờ ngày 7/9, mực nước hồ Đại Lải đã lên tới cao trình Cos +20,60m và đang tiếp tục dâng lên do nước lũ dồn về. Để chủ động trong công tác ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Phúc Yên xả tràn nước hồ Đại Lải xuống Cos +20,00m để đón lũ; lưu lượng xả từ 20m3/s đến 100m3/s tùy theo diễn biến tình hình mưa, lũ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Phúc Yên chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên chủ động điều tiết lưu lượng xả để đảm bảo an toàn hồ và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, hạn chế việc xả lũ gây ngập úng đến vùng hạ du.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Phúc Yên có trách nhiệm thông báo đến các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và Nhân dân vùng hạ du; thời gian bắt đầu xả từ 13 giờ ngày 7/9.

Triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương án PCTT&TKCN hồ Đại Lải đã duyệt; triển khai ngay lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn qua đường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện giao thông qua tràn, ngầm trong thời gian điều tiết.

Thông báo cho các địa phương vùng hạ du đập (vùng ảnh hưởng) về tình hình điều tiết xả nước hồ để các địa phương có phương án phòng tránh ngập úng và lập các chốt canh gác tại các ngầm, tràn bị ngập; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của hồ, tăng cường công tác tuần tra canh gác 24/24h, phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Báo cáo kịp thời, đầy đủ mọi diễn biến về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng bão số 3

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều và tối 6/9 đến trưa 7/9 mưa giông kèm theo lốc, sét, gió mạnh xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều tuyến phố bị ngập úng cục bộ, cây xanh gãy đổ trên đường.

Mưa bão đã làm đổ cây đè lên một chiếc xe của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Minh.

Mưa bão đã làm đổ cây đè lên một chiếc xe của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Minh.

Tại thành phố Vĩnh Yên nhiều tuyến đường đã bị ngập cục bộ, gần 200 cây xanh bị gãy đổ làm ảnh hưởng đáng kể đến giao thông và hệ thống đường dây, cột điện, trạm biến áp...

Báo cáo nhanh của UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết, đợt mưa giông khiến 195 cây xanh trên địa bàn gãy, đổ; 2 xe ô tô và 9 trạm biến áp bị cây đổ, gãy đè vào; 128 m tường rào bị đổ; 220 m mái tôn của 4 hộ gia đình bị tốc mái; 2 chiếc cột điện bị gãy, đổ...

Mưa lớn kèm theo gió lốc làm gãy đổ 195 cây xanh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Quang Minh.

Mưa lớn kèm theo gió lốc làm gãy đổ 195 cây xanh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Quang Minh.

Trên địa bàn huyện Yên Lạc đã xảy ra mưa lớn và gió giật mạnh làm tốc mái 4 nhà dân và 1 trường học; làm gãy, đổ 127 cây xanh trên các tuyến giao thông; gãy đổ 13 cột điện; 345 ha lúa bị đổ.

Do đã được tuyên truyền từ trước về ảnh hưởng của siêu bão số 3, nên thời điểm mưa lớn, và giông lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc người dân đều trú ẩn ở nhà, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường ít nên đã hạn chế được thương vong tổn thất. Đến thời điểm hiện tại, thông tin từ các cơ quan chức năng chưa ghi nhận các trường hợp thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão số 3.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-xa-tran-ho-dai-lai-chu-dong-ung-pho-truoc-dien-bien-mua-bao.html