Vĩnh Thuận - Kiên Giang: Điểm sáng nông thôn mới
Vĩnh Thuận là huyện thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), với 7 xã và 1 thị trấn, người dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, buôn bán… Nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, phát huy tốt thế mạnh của địa phương, đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập người dân không ngừng nâng lên, từ đó tạo ra phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) phát triển rộng khắp, làm diện mạo vùng quê thay đổi khang trang.
Người dân đồng lòng vào cuộc
Ông Danh Lê, người Khmer, ngụ tổ 1, ấp Vĩnh Thanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tâm sự: “Trước đây, vùng này gặp nhiều khó khăn trong đi lại và sản xuất. Thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư thủy lợi, giúp người dân chuyển sang nuôi tôm, nuôi cua, kết hợp trồng lúa 1 vụ, nhờ đó thu nhập tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng tổ 1 khoảng 60 hộ, số hộ giàu đã tăng lên 50%, hàng năm có nguồn thu 300-500 triệu đồng/ hộ, có hộ hơn 1 tỷ đồng/năm do con tôm mang lại. Đời sống bà con không ngừng cải thiện, nên khi có chủ trương xây dựng NTM nhà nào cũng nhiệt tình hưởng ứng”.
Là người có uy tín trong đồng bào Khmer ở địa phương, ông Danh Lê tình nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, đảm bảo cho xe 4 bánh lưu thông dễ dàng. Ông còn hỗ trợ kinh phí làm đường và tích cực vận động mọi người đóng góp đất đai, tài sản, ngày công lao động… cùng chính quyền đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.
Cùng ủng hộ chủ trương trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, ngụ ấp Thạnh Đông (xã Phong Đông), bộc bạch: “Khu vực này thuộc vùng sâu và là nơi giáp ranh giữa 2 huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và Hồng Dân (Bạc Liêu). Do thiếu trường mẫu giáo, các em nhỏ đi học rất xa và nhiều gia đình không có điều kiện cho con đến trường. Vì thế, tôi tình nguyện hiến 3 công đất mặt tiền, trị giá gần 2 tỷ đồng để xây trường mẫu giáo. Năm 2019 Trường mẫu giáo Phong Đông (điểm Chợ Vàm) hoàn thành, đưa vào hoạt động trước sự vui mừng khôn tả của người dân huyện Vĩnh Thuận và huyện Hồng Dân”.
Theo ông Lê Văn Gìn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận, tấm gương hiến đất xây trường mẫu giáo và sau đó xây thêm căn nhà giúp phụ huynh ở xa có nơi ở trong thời gian chờ đón con của bà Nguyễn Thị Kim Phụng thật đáng quý, cùng với việc góp phần phát triển ngành giáo dục còn góp công lớn vào xây dựng NTM ở địa phương.
Không chỉ Phong Đông, nhiều địa phương cũng phát huy tốt sự đóng góp của người dân trong xây dựng NTM.
Nâng cao đời sống người dân
Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận, nhìn nhận: “Chương trình NTM là tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ chủ thể trong xây dựng NTM. Thực tế đã chứng minh, người dân mới thực sự là chủ thể xây dựng NTM. Sự tham gia của người dân vào xây dựng NTM được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại. Do đó, trong quá trình thực hiện NTM, ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận luôn quan tâm và tạo thuận lợi để người dân tích cực tham gia, thực hiện tốt 15 phần việc của hộ gia đình. Vai trò của người dân được thể hiện qua dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Nhờ phát huy tốt vai trò của người dân, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thống kê cho thấy, những năm qua, huyện huy động hơn 368 tỷ đồng đầu tư cho NTM; đến nay có 7/7 xã đạt chuẩn NTM và huyện Vĩnh Thuận cũng đạt 9/9 tiêu chí NTM. Đây là kết quả ấn tượng đối với vùng quê Vĩnh Thuận.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ cho biết, những năm qua huyện tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân theo tiêu chí xây dựng NTM. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản từ 22.837ha lên 28.548ha (trong đó chuyển 3.836ha đất trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả và 1.875ha đất cây trồng khác sang mô hình tôm - lúa).
Năng suất, sản lượng tôm hàng năm luôn vượt kế hoạch đề ra, năm 2020 đạt trên 15.500 tấn tôm tăng 5.000 tấn so năm 2016; giá trị sản xuất theo mô hình tôm - lúa đạt 120 triệu đồng/ha/năm, tăng 2 lần so với đất trồng lúa 2 vụ. Đặc biệt mô hình 2 lúa - 1 màu (khoảng 500ha) mang lại hiệu quả cao với giá trị sản xuất trên 180 triệu đồng/ha...
Bên cạnh việc phát huy vai trò của người dân trong xây dựng NTM, huyện cũng xây dựng 14 hợp tác xã và 90 tổ hợp tác nông nghiệp, liên kết được chuỗi giá trị với các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình có hiệu quả như “5 không 3 sạch”, tổ nhân dân tự quản không có tệ nạn xã hội, mô hình thắp sáng đường quê, xây dựng tuyến đường hoa, mô hình sản xuất “1 phải 5 giảm”, mô hình 3 giảm 3 tăng…