Virus Corona biến đổi và lây chéo trong một gia đình ở Trung Quốc
Giới khoa học Trung Quốc vừa phát hiện những biến đổi đáng quan ngại ở chủng virus Corona mới, khả năng xảy ra trong quá trình lây chéo tại một gia đình ở Quảng Đông.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin mặc dù ảnh hưởng của những đột biến trên virus Corona 2019-nCoV vẫn chưa được xác định, song chúng có khả năng thay đổi hành vi của chủng virus này.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu ổ lây nhiễm giữa thành viên của một gia đình ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đồng thời cho biết gen của virus này đã biến đổi đáng kể khi lây chéo giữa các thành viên của gia đình nêu trên.
Virus liên tục biến đổi, song đa số các thay đổi đều tương đồng hoặc là đột biến im lặng (còn gọi là đột biến câm), gây ít tác động đến hành vi của chúng. Mặt khác, các biến đổi không tương đồng có thể thay đổi đặc điểm sinh học của virus, cho phép chúng thích nghi với những môi trường khác nhau.
Theo nghiên cứu mới do Giáo sư Cui Jie cùng đồng nghiệp tại Viện Pasteur Thượng Hải, hai đột biến không tương đồng đã xảy ra đối với chủng virus gây viêm hệ hô hấp cấp được tìm thấy trong ổ dịch gia đình trên.
Xem video thủ đô Bắc Kinh được đặt trong tình trạng cảnh báo cao do virus Corona. Nguồn: SCMP
Công bố trên tạp chí National Science Review ngày 29/1, nhóm chuyên gia nhận định trường hợp trên cho thấy “virus có thể tiến hóa và biến đổi trong quá trình lây nhiễm từ người sang người”. Theo đó, cần phải giám sát chặt chẽ sự biến đổi, tiến hóa và thích nghi của chủng virus chết người này.
Nhóm nghiên cứu của ông Cui cũng phát hiện tổng cộng 17 đột biến không tương đồng ở các bệnh nhân tại khắp Trung Quốc trong thời gian từ ngày 30/12 đến cuối tháng 1. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể kết luận liệu chủng virus Corona mới này đang biến đổi nhanh hơn SARS và các loại virus hay không. Virus SARS, hay còn gọi là hội chứng hô hấp cấp tính nặng, đã tiến hóa ở tốc độ từ 1 – 3 thay đổi trên hàng ngàn ca mắc mỗi năm.
Giải mã toàn bộ bộ gen là công việc mất nhiều thời gian và tiền bạc. Bộ nhiễm sắc thể của virus Corona mới cũng có chiều dài gần 30.000 cặp cơ bản, dài hơn nhiều loại virus khác, bao gồm cả “anh em họ” SARS.
Ngày 1/2, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Chiết Giang cho biết đang phối hợp với tập đoàn công nghệ Alibaba để phát triển một phương pháp phân tích gien mới đối với mẫu phẩu lấy từ người nhiễm Corona 2019-nCoV bằng trí tuệ nhân tạo.
Cơ quan trên cho hay công nghệ mới này được kỳ vọng rút ngắn thời gian phân tích từ vài giờ xuống còn 30 phút, cho phép các nhà khoa học theo dõi đột biến nhanh hơn và chính xác hơn.
Hiện chưa rõ việc virus đột biến có tác động thế nào đối với người bệnh. Ông Qiu Haibo, chuyên gia cố vấn dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc, hôm 2/2 cho biết cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về việc virus tiến hóa có thể gây “tái lây nhiễm”.
Tuy nhiên về mặt lý thuyết, đột biến có thể khiến bệnh nhân đã hồi phục bị ốm bệnh trở lại cũng như đánh lừa các biện pháp phát hiện sẵn có bởi chúng chỉ nhắm đến một nhóm gen virus nhỏ.
Ngày 4/2, Chính quyền tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc thông báo trong ngày 3/2, số ca tử vong vì viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại tỉnh này đã tăng thêm 64 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Trung Quốc lên con số 425 người. Tính đến nay đã có 2 ca tử vong do nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục, một ở Philippines và một ở Hong Kong.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo đã phát hiện thêm 2.354 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona ở tỉnh này lên 13.522 người. Trong khi đó, với 64 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do nhiễm 2019-nCoV tại Hồ Bắc là 414 trường hợp. Riêng tại thành phố Vũ Hán, số ca nhiễm mới được phát hiện trong ngày 3/2 là 1.242 người và tổng số ca tử vong là 313 người.
Virus Corona mới được cho đã bùng phát hồi tháng 12 năm ngoái tại một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Đến nay, 2019-nCoV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu, với trên 20 quốc gia xác nhận các ca lây nhiễm.