Virus corona khoét sâu cuộc đối đầu Mỹ - Trung
Giới phân tích cảnh báo Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác cùng nhau để đẩy lùi đại dịch Covid-19, thay vì đối đầu và chỉ trích lẫn nhau có thể khiến tình hình trở nên rất nghiêm trọng.
Khi Tổng thống Donald Trump bước lên bục tại phòng họp ở Nhà Trắng vào một buổi chiều tuần trước, những nhận xét được chuẩn bị của ông bao gồm một tài liệu tham khảo về virus corona.
Nhưng trong một bức ảnh chụp cận tập tài liệu của Tổng thống Trump, cho thấy ông đã gạch đè lên cụm từ “virus corona” và thay bằng “virus Trung Quốc”. Tổng thống Trump tỏ ra gay gắt khi ông cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch bệnh ở Vũ Hán đã bùng phát thành đại dịch làm tê liệt nước Mỹ, New York Time cho biết.
“Chắc chắn thế giới đang trả giá đắt cho những gì họ đã làm”, Tổng thống Trump nói. Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Mike Pompeo tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc Trung Quốc bóp méo dữ liệu sức khỏe quan trọng và cho biết phản ứng của Bắc Kinh đã tạo rủi ro cho mọi người trên toàn thế giới.
Ông Trump liên tục đổi giọng
Những lời chỉ trích cộc cằn là một sự thay đổi đột ngột về giọng điệu đối với một vị tổng thống, người từ lâu tìm cách giữ mối quan hệ thân thiện với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình. Ban đầu Tổng thống Trump còn ca ngợi chính phủ của Chủ tịch Tập vì đã làm công việc rất chuyên nghiệp để chống lại dịch bệnh.
Nhưng khi Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao lên án Bắc Kinh, các chuyên gia an ninh quốc gia và y tế công cộng lo ngại hai cường quốc đang tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có thể làm suy yếu nghiêm trọng nỗ lực chung nhằm tiêu diệt virus và cứu vãn nền kinh tế toàn cầu.
Một số quan chức y tế của chính quyền Tổng thống Trump cảnh báo việc Washington chỉ trích Bắc Kinh có thể khiến họ dừng chia sẻ dữ liệu chính xác về virus corona. Trung Quốc đã chia sẻ trình tự bộ gene của virus corona và các nhà khoa học Trung Quốc đã viết nhiều bài báo công khai về virus này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng y tế của Mỹ. Các chính sách kinh tế của Bắc Kinh cũng rất quan trọng với kinh tế toàn cầu.
Eswar Prasad, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư về thương mại tại Đại học Cornell, gọi đây là “sự thù địch mới”. “Mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi vào thời điểm đặc biệt đáng tiếc, khi hai nước đáng lý ra phải hợp lực để hạn chế sự tàn phá của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động kinh tế và thị trường tài chính”, giáo sư Prasad nói.
Kelly Magsamen, cựu quan chức ngoại giao, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết cuộc đối đầu giữa hai nước đã phá hỏng nỗ lực chung để ngăn chặn virus.
“Thay vì chỉ trích Trung Quốc, chúng ta cần làm việc cùng nhau để kiểm soát dịch bệnh”, bà Magsamen nói.
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu hôm 23/3, Tổng thống Trump đã loại bỏ việc sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” và kêu gọi bảo vệ người Mỹ gốc Á. Khi được hỏi vì sao ông ngừng sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc”, Tổng thống Trump biện minh rằng cụm từ đó gây tổn hại cho người Mỹ gốc Á.
Rõ ràng việc thay đổi giọng điệu của Tổng thống Trump chỉ là nhằm xoa dịu những chỉ trích về phân biệt chủng tộc, có thể gây tổn hại cho người gốc Á trên khắp thế giới, chứ không phải là một động thái để mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong việc chiến đấu với dịch bệnh.
Trước đó, một quan chức ngoại giao Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ đã đem virus đến Vũ Hán và làm bùng phát dịch bệnh ở thành phố này và lan ra toàn cầu.
Chỉ trích thay vì hợp tác
Rõ ràng, Tổng thống Trump đang ở trong một tình huống rất khó khăn, vì ông vẫn rất cần sự hợp tác của Trung Quốc về nhiều thứ, không chỉ về kinh tế mà còn về chốngvirus corona. Tổng thống Trump dường như thừa nhận điều này vào hôm 20/6, sau khi ông vấp phải một số lời chỉ trích trước đó về Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số quan chức đảng Cộng hòa tại Quốc hội nói rằng cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để giảm sự phụ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc. Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng đang soạn thảo một sắc lệnh yêu cầu chính phủ liên bang mua thêm dược phẩm do Mỹ sản xuất.
Một số thành viên đảng Cộng hòa nói rằng trong một bài báo được xuất bản gần đây của Tân Hoa Xã, đã đe dọa rằng Mỹ có thể mất quyền truy cập vào các loại thuốc quan trọng được sản xuất tại Trung Quốc.
“Họ có thể đe dọa cắt nguồn cung dược phẩm của chúng ta. Đó là một đòn bẩy rất đáng sợ”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng Cộng hòa, nói với Fox News vào ngày 13/3.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đang đánh giá tác động của virus corona và sự gia tăng liên quan đến căng thẳng thương mại trong các cuộc đàm phán của họ. Các quan chức hai nước đã không cho biết, liệu Trung Quốc có đáp ứng cam kết trong tháng 1 để mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong 2 năm tới hay không, nhưng sự gián đoạn kinh tế lan rộng khiến điều đó dường như không xảy ra.
Giới phân tích cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng tập trung vào chính trị và niềm tự hào dân tộc của riêng mỗi nước, thay vì hợp tác cùng nhau để chiến đấu với đại dịch. Các quan chức hai nước vẫn liên tục chỉ trích lẫn nhau.
Các quan chức Mỹ nói rằng họ có thể đã giúp ngăn chặn virus corona nếu Trung Quốc ban đầu không từ chối cho phép các chuyên gia y tế, bao gồm chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vào Vũ Hán.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã từ chối đề cập đến vấn đề vào ngày 20/3.
Các quan chức Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng khi lãnh đạo Trung Quốc không mặn mà với món quà viện trợ 18 tấn vật tư y tế cho Trung Quốc, trong chuyến bay được sử dụng để sơ tán công dân Mỹ khỏi Vũ Hán. Đầu tháng 2, Mỹ đã cam kết viện trợ 100 triệu USD cho Trung Quốc và một số quốc gia khác, nhưng không nhận được sự tiếp nhận nhiệt tình từ Bắc Kinh.
Một số người bảo thủ, cũng như các quan chức chính quyền Tổng thống Trump, không hài lòng với việc sử dụng cùm từ “virus Trung Quốc”, hay “virus Vũ Hán” mà Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo sử dụng.
Tuy vậy, Ryan Hass, giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, lưu ý rằng trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã tìm cách vượt qua sự khác biệt để hợp tác cùng nhau.
“Trong một cơ quan hành chính bình thường, lời khuyên của tôi là xác định những cách thiết thực để Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác các nguồn lực, chuyên môn để kiểm soát sự lây lan của virus trên toàn cầu. Thật đáng tiếc, cách tiếp cận như vậy là quá xa xỉ với chính quyền hiện tại”, ông Hass nói.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/virus-corona-khoet-sau-cuoc-doi-dau-my-trung-post1063466.html