Virus hóng hớt

Mạng xã hội liên tục xuất hiện những drama thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng. Họ bị cuốn vào một trò chơi tâm lý và phải theo dõi câu chuyện đó đến cùng.

Tại sao người trẻ thích 'hóng biến'?

“Tháng 3 - Tháng của drama” - là câu nói vui của cộng đồng mạng khi những vụ scandal, bóc phốt được tung ra. Bắt đầu từ câu chuyện của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau sai sự thật; cùng lúc đó bùng nổ drama quan hệ của diễn viên Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron ở tận xứ kim chi, tới nay vẫn chưa có hồi kết. Tiếp theo là ồn ào tình ái streamer ViruSs - TikToker Ngọc Kem và Pháo. Một bộ phận không nhỏ khác thì vào các kênh, diễn đàn bình luận ngoại hình, chủ yếu là miệt thị ngoại hình thí sinh trong cuộc thi Nam vương Campuchia 2025.

Mạng xã hội sôi sục với những câu chuyện người nổi tiếng, đang "hóng biến" vụ việc này lại có drama khác gối đầu. Cùng với sự truyền dẫn của các fanpage, diễn đàn giải trí lập ra với mục đích câu view là chính, những thông tin này càng lan nhanh. Nhiều bạn trẻ cho rằng mình không thể đứng ngoài câu chuyện mà không biết gì. Khi một sự kiện gây tranh cãi xuất hiện, nhiều người cùng bàn tán, chia sẻ, khiến người khác cảm thấy nếu không theo dõi thì sẽ bị "lạc lõng". Với giới trẻ, nhiều người sợ bị "tối cổ".

Tâm lý "sợ bỏ lỡ" (FOMO) khiến người ta dễ bị cuốn vào các câu chuyện gây tranh cãi trên mạng. Con người vốn có xu hướng tìm kiếm những thông tin mới lạ, đặc biệt là những câu chuyện có nhiều tình tiết bất ngờ. Điều này tạo cảm giác hấp dẫn như đang theo dõi một bộ phim thực tế nào đó. Hơn hết, đây lại là những nhân vật nổi tiếng.

"Hóng biến" không còn là chuyện nhỏ, mà đã trở thành một thói quen của một bộ phận giới trẻ.

Anh Đỗ Trọng Vĩnh (Cầu Giấy) cho rằng: "Giới trẻ hiện nay thường thích 'hóng hớt' chuyện tình cảm của người khác. Trong các cuộc nói chuyện, những câu chuyện đó thường được nhắc đến, khiến mình không muốn là người đứng ngoài những câu chuyện này".

"Các bạn tôi thường hay thức đêm để hóng hớt và dẫn đến đi học, đi làm muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe", anh Lê Trần Hùng (Cầu Giấy) cho biết.

"Hóng biến" - trò chơi tâm lý

Xuất phát từ sự tò mò, "hóng biến", "hóng drama" đã trở thành "món ăn tinh thần" của nhiều người dùng mạng xã hội. Những câu chuyện có yếu tố kịch tính, gây tranh cãi thường dễ dàng thu hút, mang lại cảm giác hứng thú với nhiều người.

"Mọi người ai cũng quan tâm và 'hóng biến' rồi hỏi tôi, nên tôi cảm thấy tò mò và bắt đầu tìm hiểu. Càng xem thì lại càng hiện ra nhiều hơn. Khi đang chuẩn bị đi ngủ lại sợ bỏ lỡ tình tiết mới, nên lại bấm vào để xem", chị Ngọc Linh (Nam Từ Liêm) chia sẻ.

Việc "hóng drama" liên tục, bất chấp ngày đêm có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe của người dùng. Khi liên tục tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, não bộ luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo âu, stress. Dù là xu hướng hay thói quen, thức đêm luôn có hại. Ỷ lại vào sức khỏe của tuổi trẻ, đại bộ phận đã cố tình bỏ qua các cảnh báo của bác sĩ. Đặc biệt, "hóng drama" nhiều cũng có thể khiến con người trở nên tiêu cực hơn. Khi quen với việc theo dõi và bàn tán về những câu chuyện giật gân, nhiều người có xu hướng hình thành thói quen phán xét, soi mói, thậm chí nhìn nhận cuộc sống theo hướng bi quan.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến nghị: "Trong tình trạng thức khuya kéo dài, các tế bào thần kinh không được nghỉ ngơi đúng như nhịp sinh học dẫn đến tình trạng căng thẳng. Khi căng thẳng quá mức, các tế bào thần kinh sẽ phản ứng và dẫn đến tình trạng thiếu máu não cục bộ, dẫn đến nhồi máu não ở người trẻ".

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, sau một thời gian thức khuya, nhiều người trẻ sẽ không thể ngủ lại, dẫn đến rối loạn cảm xúc và buồn bã kéo dài.

Lỗ hổng văn hóa mạng

Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập drama, liên tục từ ồn ào này tới tranh cãi nọ. "Hóng biến" thì mệt mà không hóng biến lại nhanh chóng trở thành "người tối cổ". Điều này đặt ra trách nhiệm cho người làm công việc sáng tạo nội dung, người dùng lẫn các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thông tin.

Từ vụ Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau củ không đúng sự thật, đến drama tình ái của ViruSs và TikToker Ngọc Kem, Pháo… mạng xã hội dường như không có một ngày yên ắng. Điều đáng nói, có không ít người sẵn sàng nạp tiền chỉ để "hóng" và tham gia bàn luận về những tranh cãi này.

Chị Phạm Phương Thảo (Thanh Xuân) cho biết: "Gần đầy có nhiều clip xuất hiện trên mạng xã hội. Dù không quan tâm nhưng chúng hiện lên quá nhiều nên tôi đã xem".

Sự tham gia đến mức thái quá của người dùng mạng xã hội vào một số vụ việc cho thấy việc "hóng biến" không dừng lại ở sự vô hại hoặc giải trí. Người dùng mạng xã hội tham gia bình luận, lan truyền thông tin xấu, thể hiện sự phi nhân văn, độc đoán, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hành vi "ném đá tập thể" đã cho thấy lỗ hổng trong văn hóa sử dụng mạng xã hội.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tâm lý - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, hiện nay, câu chuyện rất lớn được đặt ra là những người dùng mạng xã hội có cần được giáo dục về cách sử dụng các nền tảng này hay không. Một cú like, share có thể lan tỏa những điều tích cực, nhưng đó sẽ là "rác" với những thông tin tiêu cực. "Lỗ hổng văn hóa là điều cần phải bàn đến, bởi một bộ phận người sử dụng mạng xã hội hiện nay, nhất là những người trẻ, họ không có nhận thức đúng đắn và đầy đủ. Cách hành xử của họ trên mạng dường như theo cảm xúc nhiều hơn theo lý trí hoặc những quan điểm phản biện", TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Áp lực từ sự nổi tiếng

Trong thời đại công nghệ số, đời tư của các nghệ sĩ ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và truyền thông. Đặc biệt tại Hàn Quốc, nơi ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh mẽ với văn hóa thần tượng Kpop, các vụ việc liên quan đến đời tư nghệ sĩ bị lan truyền trên mạng thường gây ra những làn sóng tranh cãi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của họ.

Hàn Quốc nổi tiếng với ngành giải trí khắc nghiệt, nơi các nghệ sĩ vừa phải đối mặt với áp lực công việc, vừa phải chịu đựng sự soi mói gắt gao từ dư luận. Một trong những vụ việc chấn động nhất là scandal của tài tử điện ảnh Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron vào năm 2025. Tin đồn về mối quan hệ tình cảm giữa hai người bùng nổ khi Kim Sae Ron đăng tải một bức ảnh thân mật với Kim Soo Hyun trên mạng xã hội tháng 3/2024, sau đó nhanh chóng xóa đi.

Tuy nhiên, hình ảnh này đã lan truyền chóng mặt, kéo theo hàng loạt cáo buộc rằng nam chính bộ phim "Nữ hoàng nước mắt" Kim Soo Hyun từng hẹn hò với Kim Sae Ron khi cô còn ở độ tuổi vị thành niên. Scandal này không chỉ khiến công chúng phẫn nộ mà còn dẫn đến việc nhiều nhãn hàng chấm dứt hợp đồng với Kim Soo Hyun, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ won.

Vụ việc cho thấy sức mạnh của mạng xã hội trong việc khuếch đại thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời phơi bày áp lực mà các nghệ sĩ phải chịu khi đời tư bị phanh phui.

Không chỉ ở Hàn Quốc, hiện tượng này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, phản ánh sự phức tạp trong mối quan hệ giữa người nổi tiếng, công chúng và không gian mạng.

Đời tư của ca sĩ Selena Gomez từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và truyền thông, đặc biệt khi cô nổi lên như một ngôi sao từ Disney và sau đó phát triển sự nghiệp âm nhạc lẫn kinh doanh. Những mối quan hệ tình cảm của cô, như với Justin Bieber sau này là là Benny Blanco, thường xuyên bị soi mói và phân tích từng chi tiết trên mạng xã hội.

Không chỉ vậy, Selena còn bị mệt thị về ngoại hình do tăng cân trong quá trình điều trị bệnh Lupus những năm trước. Thời điểm đó, hình ảnh của cô khi tham gia các sự kiện thường bị bêu xấu trên mạng, thậm chí trở thành chủ đề đùa cợt trong một số chương trình truyền hình, khiến Selena không ít lần lên tiếng bày tỏ sự bức xúc.

Taylor Swift, một trong những ngôi sao nhạc pop lớn nhất thế giới, cũng không tránh khỏi sự tò mò quá mức từ công chúng. Mối quan hệ tình cảm của cô với cầu thủ bóng bầu dục Travis Kelce từ năm 2023 đã trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội, với từng bức ảnh, cử chỉ của họ bị săm soi để tìm bằng chứng về tình trạng mối quan hệ. Trước đó, các mối tình với Joe Alwyn, Harry Styles hay Tom Hiddleston của Taylor Swift cũng bị truyền thông khai thác triệt để, thậm chí biến thành cảm hứng cho các ca khúc của cô.

Cả Selena Gomez và Taylor Swift đều là những người nổi tiếng sống dưới áp lực lớn từ sự soi mói. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, họ đều cho thấy mặt trái của sự nổi tiếng trong thời đại số, nơi mọi chi tiết nhỏ nhất đều có thể bị thổi phồng thành câu chuyện lớn.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/virus-hong-hot-318731.htm