Virus Nipah với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 75% bùng phát ở Ấn Độ
Giới chức bang Kerala, miền Nam Ấn Độ phải đối mặt thêm thách thức mới từ sự bùng phát của virus Nipah trong khi ghi nhận ít nhất 25.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày.
Một cậu bé 12 tuổi đã tử vong tại làng Chathamangalam, quận Kozhikode vào hôm 5/9 sau khi bị nhiễm virus Nipah, Straits Times đưa tin.
Khu vực nằm trong bán kính 3 km xung quanh nhà cậu bé trở thành vùng cấm. Giới chức bang Kerala đã mở chiến dịch truy vết, cách ly và xét nghiệm những người tiếp xúc.
Tính đến ngày 6/9, hai nhân viên y tế đã xuất hiện triệu chứng nhiễm virus Nipah và 188 người khác được xác định tiếp xúc với cậu bé, trong đó 20 người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Người đứng đầu cơ quan y tế bang Kerala Veena George cho biết số người tiếp xúc có thể gia tăng vì cậu bé đã được chuyển viện nhiều lần.
Bà nhấn mạnh thêm tuần này "rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus và cứu sống nhiều người".
Trước đó, một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Ấn Độ đã thu thập các mẫu chôm chôm gần nhà cậu bé, vì nghi ngờ cậu bị nhiễm bệnh sau khi ăn trái cây.
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ tháng 5/2018, sau khi virus Nipah cướp đi sinh mạng của 17 người trong cùng một quận ở Kerala. Ăn trái cây bị dơi cắn là nguyên nhân chính gây ra dịch Nipah năm 2018.
Virus Niphah được phát hiện lần đầu tại Malaysia vào năm 1998, gây bệnh nghiêm trọng cho cả động vật và người.
Người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi và buồn nôn. Người bệnh sau đó bị phù não, dẫn đến buồn ngủ, lú lẫn, có thể hôn mê và tử vong.
Virus Nipah không lây qua không khí mà truyền từ động vật (dơi hoặc lợn) sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn.
Tuy nhiên, lượng lớn ca nhiễm virus Nipah theo đường từ người sang người do tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể bệnh nhân cũng đã được báo cáo.
Mặc dù virus Nipah được coi là ít lây lan hơn Covid-19, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus Nipah cao hơn nhiều, từ 40% đến 75%. Chưa có thuốc chữa hoặc vaccine đối phó với virus Nipah và bệnh nhân chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ.