Virus tin giả - cơ hội cho kẻ phản động

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự vô tình hay cố ý của số ít nhóm người dùng mạng xã hội khi lan truyền thông tin sai trái đang làm lây lan virus độc hại trên không gian mạng. Muôn hình vạn trạng, nhưng có thể đặt một cái tên chung: Rác mạng.

Trong thế giới mở với tốc độ lan truyền chóng mặt, không chỉ những đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị không ngừng chống phá Nhà nước, mà bất cứ ai cũng có thể xả rác lên mạng, dù vô tình hay cố ý. Hiện nay, phổ biến nhất là tin giả (fake news) nhằm dẫn dắt dư luận. Tin giả ngày một tinh vi hơn, các nhóm đối tượng còn xây dựng các fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương; giả mạo các phát ngôn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, tin giả mọc lên như nấm sau mưa. Điển hình, tổ chức khủng bố Việt Tân tung lên mạng hình ảnh xe bọc thép với luận điệu xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn...”. Ngoài ra, virus tin giả còn xuất hiện rất nhiều trong các vấn đề chính trị, đời sống hằng ngày. Một số người thiếu hiểu biết đã phát tán, chia sẻ, bình luận thông tin chưa được kiểm chứng. Bằng cách này, nhóm phản động lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, đánh vào sự lo lắng bất an để gây hoang mang dư luận, nhằm kích động tư tưởng hoài nghi, tạo dư luận tiêu cực và đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.

Chủ động rà soát, kiên quyết xử lý các vi phạm trên không gian mạng là những hành động đã và đang được Phú Yên kiên quyết thực hiện và xử lý. Từ khi Nghị định 15 của Chính phủ ra đời, không ít cá nhân bị phạt vi phạm hành chính vì chia sẻ những thông tin rác. Các trường hợp có thể kể đến như: Ngày 15/4/2021, một cựu giáo viên ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đăng tải thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân trên Facebook đã bị Thanh tra Sở TT&TT tỉnh xử phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu tháo gỡ thông tin này. Ngày 3/11/2022, Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để chia sẻ, bình luận với nội dung sai sự thật liên quan đến cái chết của Đ.B.P (sinh năm 1984, thường trú phường 4, TP Tuy Hòa).

Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả để lại là thật. Vậy giải pháp nào để dọn dẹp rác trên không gian số? Virus nằm ở chính nút Enter, vì vậy hãy cẩn trọng và tỉnh táo với mỗi thông tin, hình ảnh đăng tải, với mỗi bình luận chia sẻ, bởi nếu không sẽ có ngày nạn nhân là chính chúng ta và con em chúng ta. Do đó, cư dân mạng không nên thờ ơ trước vấn nạn rác mạng đang hàng giờ, hàng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, khối óc mình nếu như mỗi người không đủ tri thức để loại bỏ. Vì chung tay làm sạch rác mạng là trách nhiệm không của riêng ai.

VÕ TẤT THIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299924/virus-tin-gia-co-hoi-cho-ke-phan-dong.html