Vịt lu đất, ngan cháy tỏi: Ngon lạ Hà thành, xếp hàng chờ ăn
Một nhà hàng ở Hà Nội nghĩ ra cách nướng vịt 'có một không hai' trong lu đất giúp thịt thơm ngon hơn. Những con ngan luộc ế thành món ngan cháy tỏi trứ danh tại Hà Nội, có người trả tỷ đồng để mua công thức mà không được.
Món vịt nướng trong lu đất độc đáo ở Hà Nội
Vịt quay vốn là đặc sản nổi tiếng từ Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh. Nhưng để chiều lòng khách Việt, nhiều chủ quán ở Hà Nội đã có cách biến tấu mới lạ tạo ra món vịt quay hợp khẩu vị người Việt. Trong đó, "bí mật" không chỉ nằm ở khâu tẩm ướp gia vị mà còn ở cách nướng vịt "có một không hai".
Một chủ nhà hàng trên đường Trần Quý Kiên (Hà Nội) đã nghĩ ra cách nướng vịt trong lu đất. Quay bằng lu đất cần sự cẩn thận, nhạy bén. Mỗi con vịt được tẩm ướp gần 30 loại gia vị, sau đó sấy từ 6-8 tiếng cho da khô, đanh và ngấm gia vị rồi cho vào lu quay. Sau 45-50 phút quay, vịt vẫn béo, thớ thịt dày và mềm bởi quay trong lu đất sẽ giữ được tối đa lượng nước trong thịt. Nhờ vậy, chủ quán bán hơn 100 con mỗi ngày.
Ngan cháy tỏi trứ danh Hà thành, công thức quý tiền tỷ không bán
Từ năm 2016 đến nay, ngan cháy tỏi trở thành món “đinh” của một cửa hàng trên phố Hàng Lược, Hà Nội. Món ăn này nổi tiếng đến mức đưa quán ngan vỉa hè trở thành quán ngan có tên, có tuổi, có biển hiện khang trang giữa phố, thu hút nhiều "ngôi sao" đến ăn thử rồi trở thành "khách ruột".
Về "sự tích" ra đời của món ngan cháy tỏi Hàng Lược, nhiều người sẽ bất ngờ. Hóa ra món ăn này ra đời từ những "con ngan luộc ế", do một người mẹ nội trợ trong gia đình nghĩ ra công thức. Bà Lương Thị Thanh Thủy, chủ quán, cho biết trên Báo Dân Trí, với sức hút mà ngan cháy tỏi tạo ra, nhiều người từ các tỉnh, thành đến ngỏ lời mua công thức hay mua nhượng quyền thương hiệu với giá cả tỷ đồng nhưng gia đình bà không bán.
Mật ong trắng như sữa, hàng hiếm từ Mù Cang Chải
Nếu mật ong nhãn, mật ong vải hay mật ong bạc hà,... có màu vàng nhạt, màu nâu cánh gián thì loại mật ong có màu trắng ngà của vùng núi Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến nhiều người tò mò muốn thưởng thức.
Loại mật ong này có màu trắng do được tạo ra từ những con ong hút mật cây hoa blong song (còn gọi hoa chân chim, trong y học gọi là cây ngũ gia bì) mọc ở trong rừng. Đây là loài hoa có màu trắng, chỉ nở duy nhất 1 tháng, từ khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 âm lịch hàng năm... Vì thế, loại mật ong này chỉ có duy nhất trong 1 tháng vào mùa hoa nở. Do có vị ngọt dịu, thơm mùi hoa tự nhiên, thanh mát đặc trưng nên mặt hàng này khá đắt khách, dù giá đắt đỏ, từ 350.000-500.000 đồng/lít.
Bộ bàn ghế gỗ đinh hương quý hiếm giá hơn nửa tỷ đồng
Bộ bàn ghế "kỳ mộc" làm từ gỗ đinh hương quý hiếm, gồm 12 món: 1 đoản; 1 bàn lớn; 4 ghế; 2 đôn cao để hoa; 2 đôn trà; 2 đôn ngồi. Với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, siêu phẩm này hiện được rao bán với giá hơn 500 triệu đồng.
Anh Trường, chủ xưởng gỗ sở hữu tác phẩm “kỳ mộc”, cho biết trên Báo Dân Việt, ý tưởng ban đầu anh mong muốn tạo ra một bộ bàn ghế độc đáo, lấy sự tỉ mỉ trong chạm khắc làm điểm nhấn làm sao để sản phẩm ngoài gây ấn tượng cho người nhìn còn phải thực sự tiện nghi với người sử dụng.
Thầy giáo Đồng Tháp "hô biến" rơm rạ thành tranh phong cảnh
Ít ai nghĩ những cọng rơm khô tưởng bỏ đi lại được làm thành những bức tranh phong cảnh sống động. Nhưng thầy giáo Đặng Vũ Linh (37 tuổi, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Thường Phước 1A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) là người đã làm nên điều đặc biệt này.
Theo tìm hiểu của PV báo Dân Việt, để làm tranh rơm, thầy giáo Linh phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: tuyển lựa rơm, cắt và phơi thật khô; xử lý chống mối mọt để tăng độ bền; lựa cắt lấy lõi rơm; phối màu; phác thảo; tạo hình; dán ép rơm vào giấy; phủ lớp sơn bóng; đóng khung. Mỗi bức tranh tùy kích cỡ phải mất từ 2 ngày đến hơn 2 tuần mới hoàn thiện. Giá bán mỗi bức từ 150.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Sen nở trái mùa, 'hút' người đến xem và chụp ảnh
Sen thường nở hoa vào mùa hè, đẹp nhất là từ cuối tháng 5 đến nửa cuối tháng 6. Nhưng với lòng yêu sen khá đặc biệt, một chủ hồ sen ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã kéo dài mùa sen đến giữa tháng 10. Hồ sen này đang tạo một sức hút khá lớn với du khách.
Ở hồ sen này, không chỉ sen hồng mà cả sen trắng cũng đua nhau khoe sắc. Ngoài ra, quanh vườn còn có nhiều loại hoa khác như: sam, mười giờ, ngâu, súng, chuỗi ngọc và đặc biệt là hoa hồng.
Trồng ngô không cần bẻ bắp vẫn lãi cao
Viện Nghiên cứu Ngô đã đưa hai giống ngô sinh khối VN172 và ĐH 17-5 vào sản xuất thử. Qua 3 vụ khảo nghiệm, VN172 có năng suất chất xanh cao, ổn định, đạt trung bình 65,2 tấn/ha, thích nghi tốt với các tỉnh phía Bắc. Còn giống ĐH 17-5 cho năng suất từ 56,8-76,3 tấn/ha.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt, đó là: thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 75-90 ngày, ngắn hơn trồng ngô lấy hạt khoảng 1 tháng (từ 25-35 ngày). Việc trồng ngô sinh khối sẽ góp phần tăng vụ, có thể trồng 3-4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ được 2-3 vụ/năm.
Sanh cổ song thân, bồ đề đỏ, mai chiếu thủy quý hiếm, giá tiền tỷ
Báo Dân Việt thông tin, cây sanh cổ song thân “Phiêu Du” có tuổi đời hơn 100 năm của nghệ nhân Đào Mạnh Hùng (Hà Nội) là một trong những “siêu phẩm” trên thị trường sinh vật cảnh Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất của tác phẩm này là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trên một tổng thể. Với những đặc điểm nổi bật về tạo hình, cây sanh này được nhiều đại gia khao khát sở hữu, có người trả 8 tỷ nhưng chủ nhân không bán.
Còn cặp sanh cổ dáng thác đổ, dáng huyền trong vườn cây di sản của chị Ngô Thị Thu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) được định giá lên đến 10 tỷ đồng. Hai cây sanh được đặt cạnh nhau tạo thành một cặp sanh cổ hiếm có ở Việt Nam.
Trong khi đó, anh Vũ Lê Tiến (Văn Giang, Hưng Yên) đang sở hữu cây bồ đề cổ quý hiếm, cao hơn 2,5 mét, thuộc dòng bồ đề đỏ với tuổi đời hàng trăm năm. Cây vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tay cành nhưng nhiều đại gia đã đến hỏi mua. “Tôi hay nói vui với anh em rằng, tôi không ra giá tiền mua cây mà chỉ muốn đổi lấy một cái nhà lầu và một cái xe hơi. Trước đó cũng có người trả 2 tỷ nhưng tôi không bán”, anh Tiến tâm sự trên Báo Dân Việt.
Tại triển lãm cây cảnh nghệ thuật Bắc Ninh 2020, tác phẩm mai chiếu thủy của anh Vũ Tuấn Quảng (Hải Dương) đã đoạt giải vàng cây tầm bonsai (cây tầm trung). Giới chơi cây cảnh đánh giá, tác phẩm này đã đạt đến độ hoàn mỹ theo chuẩn mực cây cảnh quốc tế - thế cây và bông tán tỷ lệ hài hòa, cân xứng. Anh Quảng cho biết, giá trị của cây khoảng 1,2 tỷ đồng
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)