VKS đề nghị phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân
Bị cáo Nguyễn Thành Tài cùng các đồng phạm bị đề nghị mức án thấp nhất ba năm, cao nhất sáu năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 17-11, TAND TP.HCM bắt đầu phần tranh luận vụ lừa đảo và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 10 bị cáo trong sai phạm hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng.
Đại diện VKS phát biểu phần luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) tù chung thân về tội lừa đảo. Ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các đồng phạm mức án thấp nhất ba năm, cao nhất sáu năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đại diện VKS đang luận tội, bà Diệp phản ứng gay gắt, liên tục la hét cho rằng các tài liệu chứng cứ buộc tội là giả mạo. Việc này khiến đại diện VKS phải tạm ngưng đọc bản luận tội. Đại diện VKS đề nghị HĐXX ghi vào biên bản để xem xét xử lý đúng pháp luật việc này.
VKS cho rằng bị cáo Diệp trong suốt quá trình điều tra và các phiên tòa, bị cáo vẫn không nhận tội. Bị cáo cho rằng mình bị oan và cho rằng toàn bộ tài liệu, hồ sơ vay tại Agribank là giả mạo. Dù bà Diệp không thừa nhận nhưng phiên tòa trước bị cáo thừa nhận mua 57 Cao Thắng để hoán đổi với 185 Hai Bà Trưng để hợp khối với các tài sản của công ty.
Khi gửi đơn xin hoán đổi, bị cáo biết rõ tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank trong khi bị cáo có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các sở ngành trong quá trình hoán đổi.
Tại CQĐT, bị cáo Diệp đổ lỗi cho các cơ quan giải quyết hoán đổi không yêu cầu cung cấp thông tin pháp lý của tài sản số 57 Cao Thắng. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo thừa nhận có trao đổi việc đang thế chấp tài sản này với bị cáo Vy Nhật Tảo (cựu giám đốc Trung Tâm Ca nhạc nhẹ) là thể hiện sự bất nhất.
VKS khẳng định bị cáo Diệp có tài sản tại 57 Cao Thắng và thế chấp vay tại Agribank trước khi mang tài sản này hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng. Cụ thể khi gửi đơn hoán đổi cho bị cáo Tài, bà Diệp phải biết tài sản này đã bị thế chấp thì không thể hoán đổi. Nhưng bị cáo chỉ mang bản photo đi mà không thông báo cho UBND TP biết việc tài sản này đã được thế chấp.
Tại tòa, bị cáo Diệp nói không thế chấp tài sản là không có căn cứ. Bởi bị cáo đã thế chấp vào ngày 31-12-2008. Bị cáo là người ký giấy nhận nợ vay tổng số 67.000 lượng vàng với 15 tài sản bảo đảm, trong đó tài sản 57 Cao Thắng đã được giải ngân vào tài khoản của công ty để bị cáo trả tiền cho SeaBank.
Đại diện VKS khẳng định: đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Diệp đã mang tài sản 57 Cao Thắng đi thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn mang tài sản này đi hoán đổi là phạm vào tội lừa đảo. Tuy nhiên bị cáo đã hơn 70 tuổi nên cũng xem xét, nhưng hành vi là nguy hiểm cho xã hội nên cũng cần phải nghiêm khắc.
Về bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, vì tin tưởng cấp dưới và thừa nhận trách nhiệm về việc nhà nước bị mất tài sản. Bị cáo có giao cho văn phòng nhưng không kiểm soát được nên bị thất thoát tài sản của nhà nước.
Hành vi của tất cả các bị cáo đều đặc biệt nghiêm trọng, là nguyên nhân dẫn đến chuyển quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng trái pháp luật. VKS đề nghị tòa cân nhắc mức án đối với trách nhiệm của từng cá nhân.
Về tài sản 185 Hai Bà Trưng, VKS đề nghị thu hồi, giành quyền khởi kiện cho các bên có liên quan.