VKS đề nghị tăng hình phạt đối với 14 bị cáo trong vụ nổ súng ở Phú Quốc
Liên quan đến vụ nổ súng ở Phú Quốc, phía VKS cho rằng các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội đã có sự liên kết chặt chẽ, có tổ chức, tính chất côn đồ, phân công nhiệm cụ thể.
Sáng 5-6, tại tỉnh Kiên Giang, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ giải quyết mâu thuẫn bằng súng ở Phú Quốc, trong vụ án này có tổng cộng 70 bị cáo. Phiên xử phúc thẩm dự kiến diễn ra trong ba ngày.
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm vụ nổ súng ở Phú Quốc hồi cuối tháng 1-2024, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Thiên Long (bắn chết hai người, làm bị thương sáu người) mức án tù chung thân tội giết người và 12 năm tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hợp hình phạt hai tội danh là tù chung thân.
Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thái (Thái bus) tù chung thân tội giết người; bị cáo Bùi Đức Ngọc tù chung thân tội giết người và 10 năm tù tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt hai tội danh là tù chung thân.
Cùng tội giết người, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Anh Hiếu 20 năm tù, bị cáo Bùi Minh Trung (Trung Cà Mau) 14 năm tù và bị cáo Võ Văn Lương (Hai Lượng) 9 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 18 năm tù về các tội: giết người; gây rối trật tự công cộng; che giấu tội phạm; tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Sau đó, một số bị cáo có kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, VKSND tỉnh Kiên Giang lại có kháng nghị đề nghị tăng mức hình phạt cho 14 bị cáo.
Cụ thể, trong bản kháng nghị, VKSND tỉnh Kiên Giang đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo: Đoàn Thiên Long, Phạm Anh Hiếu, Bùi Minh Trung, Võ Văn Lương, Nguyễn Quốc Vinh, Trần Ngọc Phú, Lê Hoàng Lang, Huỳnh Văn Từng, Huỳnh Văn Hận, Võ Minh Thanh, Phan Hoàng Quân, Phạm Hoàng Rô, Phan Hữu Phúc và Bành Văn Sang.
Theo VKSND tỉnh Kiên Giang, mức án TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên cho các bị cáo trong vụ nổ súng ở Phú Quốc là quá nhẹ không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra; chưa đủ nghiêm, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, không đánh giá đúng mặt khách quan của tội phạm và ý thức chủ quan của các bị cáo, là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Cụ thể, bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Long không có động cơ, mục đích tước đoạt mạng sống của người khác. Bị cáo chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của loại súng mình sử dụng, gây án mạng do nghe theo sự sắp xếp của đàn anh tổ chức. Gia đình các bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Còn bị cáo Hiếu với vai trò tổ chức, xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội, nhưng khi phạm tội bị cáo ra đầu thú và tại tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường khắc phục hậu quả nhiều nhất trong vụ án. Ngoài ra, bị cáo có thành tích trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm được lãnh đạo địa phương tuyên dương khen thưởng. Đối với hai bị cáo Trung và Lượng, tòa cấp sơ thẩm cho rằng hai bị cáo này chỉ tham gia với vai trò giúp sức.
“Áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với các bị cáo là chưa phù hợp tính chất của vụ án. Từ những nhận định nêu trên VKSND tỉnh Kiên Giang nhận thấy bản án sơ thẩm nhận định như vậy là chưa phù hợp quy định pháp luật và chưa đánh giá được mức độ nguy hiểm, vai trò của các bị cáo” - bản kháng nghị của VKSND tỉnh Kiên Giang nêu.
Cũng theo VKSND tỉnh Kiên Giang, các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội đã có sự liên kết chặt chẽ, có tổ chức, tính chất côn đồ, phân công phân nhiệm cụ thể vai trò của từng bị cáo. Và chính sự liên kết chặt chẽ này đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn, đó là có hai người chết và sáu bị người bị thương.
Ngoài ra, trước khi các bị cáo đến Cơ quan Công an đầu thú thì đa số các bị cáo có sự bàn bạc, thống nhất phương án, bàn cách đối phó với cơ quan Công an. Đó là: “Nếu sau này có đầu thú thì thống nhất khai không nghe, không thấy, không biết và cùng lắm sẽ bị tội gây rối trật tự công cộng”.
VKSND tỉnh Kiên Giang cũng xác định các bị cáo là “dân băng nhóm xã hội”, có nhiều tiền án, tiền sự. Đặc biệt, các bị cáo chuyên “đi làm đất”, tức là chuẩn bị hung khí, vũ khí trước, khi có người thuê mướn thì sẵn sàng dùng vũ lực đánh, chém, giết... để trấn áp đối phương, nhằm mục đích rào đất, chiếm đất, giữ đất trái phép.
VKS đề nghị 1 án tử hình và 3 án chung thân
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Kiên Giang, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai, Thái bus cùng nhiều bị cáo khác đã nhận bảo kê đo đạc đất tranh chấp cho một người dân ở ấp Bến Tràm.
Sáng 27-10-2022, Thái đã rủ thêm 52 đối tượng khác tập hợp lại nhà của Trung Cà Mau, rồi đi trên nhiều ô tô đến khu vực đất tranh chấp. Tại đây, nhóm của Thái bus xảy ra cự cãi, xô xát với nhóm của Nguyễn Văn Trường.
Trong lúc ẩu đả, Đoàn Thiên Long dùng súng hoa cải bắn ba phát vào nhóm của Trường. Hậu quả làm ba người tử vong và năm người bị thương.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, giữ quyền công tố, đại diện VKSND tỉnh Kiên Giang đề nghị xử phạt bị cáo Đoàn Thiên Long tử hình về tội giết người và từ 12-14 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; tổng hợp hình phạt hai tội danh là tử hình.
Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Thái (Thái bus) và Bùi Đức Ngọc và Phạm Anh Hiếu tù chung thân tội giết người. Đề nghị xử phạt bị cáo Bùi Minh Trung (Trung Cà Mau) và Võ Văn Lương (Hai Lượng) mức án từ 18-20 năm tù tội giết người. Đề nghị xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Hận 18-20 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Quá bị đề nghị từ 18-21 năm tù.
CHÂU ANH