VKS khẳng định Nguyễn Văn Minh giữ vai trò chủ mưu trong vụ 'đất vàng' lọt vào tay tư nhân

Đối đáp với các luận điểm, luận cứ do các luật sư bào chữa đưa ra, VKS khẳng định bị cáo Nguyễn Văn Minh giữ vai trò chủ mưu xuyên suốt và trực tiếp thực hiện tội phạm để 'đất vàng' lọt vào tay tư nhân.

Đại diện VKS nêu quan điểm đối đáp với các luật sư

Đại diện VKS nêu quan điểm đối đáp với các luật sư

Trong phần tranh luận trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương), luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Minh), luật sư Phan Trung Hoài và một số luật sư khác có ý kiến cho rằng: Sự hình thành, phát triển nguồn vốn của Tổng Công ty Bình Dương không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, Tổng Công ty thuộc quyền sở hữu của Tỉnh ủy Bình Dương không phải là doanh nghiệp nhà nước; Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Đảng được pháp luật bảo vệ công bằng và bình đẳng với mọi chủ thể khác; “Việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của Trung ương Đảng”(Thông tư liên tịch số 216/2004/TTLT-BTCQT-BTC); Tài sản của Đảng không phải là tài sản Nhà nước nên nhóm các bị cáo thuộc Tổng Công ty Bình Dương không gây thất thoát cho tài sản Nhà nước…

Dựa trên những phân tích trên, các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không đáp ứng mặt khách quan trong cấu thành tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại Điều 219 - BLHS năm 2015.

Đối với luận điểm này của luật sư, đại diện VKS đã viện dẫn các quyết định thành lập, phát triển của Tổng Công ty 3/2 (tiền thân của Tổng Công ty Bình Dương) và xác định: Quá trình hình thành, phát triển về nguồn gốc vốn Điều lệ của Tổng Công ty là vốn có nguồn gốc ngân sách Đảng và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tổng Công ty được xác định “có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp nhà nước khác”.

Một góc phiên tòa xét xử

Một góc phiên tòa xét xử

Mặt khác, xét về nguồn gốc ngân sách Đảng nói chung, ngoài nguồn đảng phí của đảng viên và các khoản thu khác thì chủ yếu hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều này được ghi nhận tại Điều 46 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về chủ sở hữu, trong thời gian dài, từ năm 1992 đến năm 2003, Tổng Công ty 3/2 được xác định là doanh nghiệp Nhà nước, chịu sự quản lý, chỉ đạo mọi mặt của UBND tỉnh.

Trong các giai đoạn phát triển khác, Tổng Công ty 3/2 luôn chịu sự quản lý, chỉ đạo của cả UBND tỉnh và Tỉnh ủy Bình Dương, trong đó Tỉnh ủy là chủ sở hữu. Do vậy, việc áp dụng pháp luật trong quản lý đối với doanh nghiệp trên, thực tế là sự áp dụng pháp luật về quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Do đặc thù nguồn gốc vốn và thực tiễn quản lý đối với Tổng Công ty Bình Dương cho thấy Chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của Đảng và pháp luật về quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời UBND tỉnh Bình Dương vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu trong quản lý đối với Tổng Công ty 3/2, đặc biệt là trong giai đoạn cổ phần hóa đối với doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương

Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương

Theo đại diện VKS, quan điểm cho rằng, vấn đề nguồn gốc vốn tài sản doanh nghiệp, mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức, áp dụng pháp luật của các bị cáo thuộc Tổng Công ty 3/2 và các bị cáo thuộc UBND cũng như Tỉnh ủy Bình Dương là không phù hợp. Hơn ai hết, các bị cáo thuộc Tỉnh ủy và tổ chức kinh tế Đảng (Tổng Công ty 3/2) càng phải gương mẫu chấp hành, tuân thủ đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đối với doanh nghiệp Đảng như đối với Doanh nghiệp nhà nước.

Tranh luận tại tòa, một số luật sư cho rằng không có chứng cứ để chứng minh vai trò chủ mưu, trực tiếp thực hiện tội phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh trong hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Cụ thể, luật sư cho rằng, việc UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tân Phú và chủ trương của Tỉnh ủy tại văn bản số 1830 ngày 17/8/2010 luôn được Tổng Công ty 3/2 thực hiện xuyên suốt và đúng quy định pháp luật. Do vậy, luật sư đặt câu hỏi cần phải đánh giá lại công văn 407 của Tỉnh ủy Bình Dương có phù hợp hay không?

Về những vấn đề luật sư nêu, đại diện VKS khẳng định, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Minh là người đứng đầu doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và là Chủ sở hữu về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Mặt khác, tại các công ty đối tác, công ty liên doanh có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này, bị cáo Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành, vừa là người có mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối đối với người thực tế quản lý, điều hành những doanh nghiệp ấy.

Trên cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, để thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật toàn bộ khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Dự án Khu dân cư- Thương mại – Dịch vụ Tân Phú sang cho tư nhân, bị cáo Minh đã chủ trương, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi trái quy định của pháp luật, quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, bị cáo Minh đã trực tiếp thực hiện việc ký hợp đồng liên doanh (góp vốn) vào công ty khác khi chưa được phép của Hội đồng quản trị và Chủ sở hữu Tỉnh ủy Bình Dương, được thực hiện bằng thủ đoạn “tiền trảm, hậu tấu”. Ngày 1/7/2010, bị cáo Minh đại diện cho Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng liên doanh góp vốn với Công ty Âu Lạc do bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm đại diện để thành lập Công ty Tân Phú.

Nhưng thực tế đến ngày 8/7/2010, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty, bị cáo Minh mới chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị để cùng ngày bị cáo ký Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc Hợp tác đầu tư, góp vốn thành lập công ty liên doanh để thực hiện Dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ quy mô 43 ha tại khu vực phường Phú Mỹ, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cả Biên bản họp và Nghị quyết Hội đồng quản trị đều nêu: “Công ty sẽ hợp tác với Công ty Âu Lạc để thành lập công ty liên doanh…”.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Tuy nhiên, thực tế trước đó bị cáo đã ký Hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh Công ty Tân Phú. Đồng thời, đến ngày 21/7/2010, bị cáo Minh mới ký báo cáo về việc xin chủ trương hợp tác thành lập Công ty liên doanh (góp vốn vào công ty khác thành lập Công ty Tân Phú), tức là xin chủ trương mà trước đó, ngày 1/7/2010 bị cáo Minh đã tự ý thực hiện mà không cần có chủ trương, quyết định của Chủ sở hữu, cũng như Hội đồng quản trị, vi phạm quy định của Nghị định số 09/2009/NĐ-CP.

Mặt khác, đối với Hợp đồng thỏa thuận liên doanh, các bị cáo xác định hiện trạng khu đất 43 ha là đất sạch thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Bên A (Tổng Công ty 3/2), sẵn sàng cho việc sử dụng và đầu tư ngay là hoàn toàn không đúng thực tế pháp lý của khu đất và trái quy định của pháp luật. Bởi theo đại diện VKS, khu đất 43 ha tại thời điểm ký hợp đồng chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xác định mục đích sử dụng đất và chưa quy định thời hạn sử dụng đất.

Mặc dù chưa được giao đất theo đúng quy định của pháp luật, nhưng bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Nguyễn Quốc Hùng đã tự thỏa thuận xác định giá đất theo giá đền bù, giải phóng mặt bằng là 570.000 đồng/m2 làm cơ sở để các bị cáo tính giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái quy định về các nguyên tắc xác định giá đất.

Công tố viên nhấn mạnh, tại thời điểm bị cáo Minh thỏa thuận liên doanh thì Tổng Công ty 3/2 chưa được giao đất có thu tiền sử dụng đất. Các bị cáo mới chỉ tính toán được số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình tạo lực trên đất, nhưng chưa tính hết số tiền sử dụng đất và thuế trước bạ phải nộp sau này (như Cáo trạng đã nêu).

Do đó, việc các bị cáo đã sử dụng giá đất do bị cáo Minh tự thỏa thuận trái pháp luật từ năm 2010 làm cơ sở xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thời điểm chuyển nhượng là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi vi phạm này đã xuyên suốt trong vụ án, theo chủ trương và ý chí của bị cáo Minh ngay từ đầu, bộc lộ rõ động cơ của các bị cáo là vụ lợi.

Từ những phân tích chứng cứ này, đại diện VKS khẳng định: Không thể coi Hợp đồng liên doanh và chủ trương của Chủ sở hữu đã được Tổng Công ty 3/2 thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời không có cơ sở đánh giá lại chủ trương của Tỉnh ủy tại công văn số 407 như ý kiến của các luật sư.

VKS kết luận, có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo Minh và các bị cáo thuộc Tổng Công ty 3/2 không có quyền bán khu đất 43 ha nêu trên, nhưng các bị cáo đã thông đồng với các bị cáo thuộc Công ty Âu Lạc vì động cơ vụ lợi, cố tình làm trái quy định của pháp luật và chủ trương của Chủ sở hữu, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thỏa thuận trái quy định của pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Diễn biến hành vi phạm tội thể hiện rõ vai trò chủ mưu xuyên suốt và trực tiếp thực hiện tội phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/vks-khang-dinh-nguyen-van-minh-giu-vai-tro-chu-muu-trong-vu-dat-vang-lot-vao-tay-tu-nhan-212459.html