VKS thay đổi quan điểm truy tố 7 bị cáo trong vụ án hình sự
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKSND huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên quyết định bổ sung cáo trạng, thay đổi quan điểm truy tố về việc áp dụng luật đối với 7 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Vì sao thay đổi quan điểm truy tố
Sau nhiều lần hoãn, ngày 1/3/2024, TAND huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến 7 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên bị VKSND truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Theo Cáo trạng số 55/CT-VKSTL ngày 28/11/2023: Trong các năm từ 2013-2015, trên địa bàn xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ thực hiện chính sách dồn đổi thửa theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Khoảng cuối năm 2013, diễn ra cuộc họp bàn thống nhất mức thu phí chuyển đổi đất nông nghiệp với thành phần gồm 7 cán bộ chủ chốt của UBND xã Thủ Sỹ: Đào Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy; Lương Công Đậu - Chủ tịch UBND; Đào Xuân Hạnh - Phó Chủ tịch UBND; Hoàng Văn Bảy - Phó Chủ tịch HĐND ; Bùi Văn Quynh - cán bộ tài chính, kế toán; Đào Văn Sỹ - cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ xã.
Tại cuộc họp, ông Đậu báo cáo có 12 hộ dân trên địa bàn xã có nguyện vọng được chuyển đổi diện tích đất 03 sang diện tích đất khoán thầu trang trại mà họ đang sử dụng. Các hộ dân đã có đơn gửi lên UBND xã Thủ Sỹ đề nghị được chuyển đổi và xin ý kiến của những người dự họp là sẽ thu phí của các hộ dân có nguyên vọng chuyển đổi đất nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách xã thì cả 7 người dự họp đều đồng ý.
“Khi Bảy (Hoàng Văn Bảy) đề xuất mức thu tiền là 5 triệu đồng/sào. Đậu (Lương Công Đậu) có ý kiến thu tiền 5 triệu đồng là cao và đề xuất thu 3 triệu đồng/sào. Sau đó 7 người cùng dự họp cùng bàn bạc và đều nhất trí mức thu là 3 triệu đồng/người. Nội dung thu sẽ ghi là “các hộ dân tự nguyện đóng góp”", cáo trạng nêu.
Sau đó, việc thu tiền được Đào Văn Sỹ thực hiện. Khi người dân nộp tiền, Sỹ không ghi biên lai hay phiếu thu, tổng số tiền thu của 12 hộ dân là 234,8 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, với động cơ mục đích để tăng nguồn thu cho ngân sách UBND xã Thủ Sỹ, lợi dụng chính sách dồn thửa đổi ruộng, các bị can trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý thu tiền trái quy định của 12 hộ dân trong xã Thủ Sỹ với tổng số tiền là 234,8 triệu đồng.
Sau khi thu được số tiền trên, ngày 21/7/2014 các bị can tiếp tục họp thống nhất việc chi số tiền đã thu được vào việc tu sửa đường giao thông là 195 triệu đồng, nhưng lập hồ sơ quyết toán chi hết số tiền 234,8 triệu đồng nhằm lấy ra số tiền chênh lệch là 39,8 triệu đồng để chi hoàn ứng việc đi tham quan du lịch Sơn La và chi quà Tết 2014.
Trong đó, Đào Văn Doan đã cố ý lập 3 bộ hồ sơ quyết toán khống chi hết số tiền 234,8 triệu đồng vào việc tu sửa đường, nhằm lấy ra số tiền chênh lệch là 39,8 triệu đồng để giúp cho lãnh đạo UBND xã Thủ Sỹ hoàn ứng 2 khoản chi đi tham quan du lịch và chi quà Tết.
Từ đó, VKS truy tố 6 bị can gồm Lương Công Đậu, Đào Xuân Hạnh, Đào Văn Tuyến, Hoàng Văn Bảy, Bùi Văn Quynh, Đào Văn Sỹ về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Riêng bị cáo Đào Văn Doan bị truy tố theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015
Đáng chú ý, tại phiên tòa ngày 1/3, đại diện VKS đã công bố Quyết định số 01 thay đổi quan điểm truy tố của Viện trưởng VKSND huyện Tiên Lữ tại Cáo trạng số 55/CT-VKSTL ngày 28/11/2023 về việc áp dụng luật đối với 6 bị cáo Lương Công Đậu, Đào Xuân Hạnh, Đào Văn Tuyến, Hoàng Văn Bảy, Bùi Văn Quynh, Đào Văn Sỹ từ điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 sang khoản 1 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với bị can Đào Văn Doan từ khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 sang khoản 1 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Lý giải việc thay đổi quan điểm truy tố, VKS huyện Tiên Lữ xét thấy hành vi phạm tội của 7 bị can trên được thực hiện vào các năm 2013 - 2014 nên cần áp dụng khoản 1 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 để truy tố đối với các bị can đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Một bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội
Tại phiên tòa, 6 bị thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu, riêng bị cáo Hoàng Văn Bảy không thừa nhận phạm tội. Khai trước HĐXX, bị cáo Bảy khẳng định không được tham gia cuộc hội ý bàn thu tiền của các hộ dân như cáo trạng truy tố. Tòa hỏi, vì sao 6 bị cáo đều khai bị cáo có tham gia? Bị cáo Bảy trả lời, đó là các bị cáo vụ khống.
Bị cáo khai cuộc họp ngày 21/7/2014 để chủ bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, ông có tham gia, ghi chép, khi đó mới biết việc thu tiền của các hộ dân. Bị cáo Bảy cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước khi thực hiện dồn điền đổi thửa là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, vì vậy khi biết hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thu tiền trái pháp luật của người dân, bản thân bị cáo đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Ngoài ra, bị cáo Bảy khai không đi du lịch tại Sơn La như trong bản kết luận điều tra và cáo trạng của VKS huyện Tiên Lữ.
Trình bày quan điểm luận tội, đại diện VKS đánh giá các bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Đây là vụ án có đồng phạm, trong đó Lương Công Đậu là người khởi xướng, các bị cáo khác là đồng phạm với vai trò là người thực hành.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Bảy, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm hành vi của bị cáo Bảy không đáp ứng những yếu tố cấu thành tội phạm về mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Theo luật sư, bị cáo Bảy không có thẩm quyền gì trong việc quyết định thu tiền của các hộ dân, không tham gia cuộc hội ý bàn về việc thu tiền của các hộ dân trong quá trình dồn thửa đổi ruộng vào cuối năm 2013. Đồng thời, chính bị cáo là người gửi Đơn tố cáo bị cáo Lương Công Đậu về hành vi thu tiền trái pháp luật của người dân trong quá trình thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Luật sư cho rằng lời khai 6 bị cáo không khách quan, có thể các bị cáo này đã thông cung bàn bạc thống nhất việc khai bị cáo Bảy tham gia cuộc hội ý tháng 12/2013 nhằm mục đích để cho bị cáo Bảy cùng phạm tội với các bị cáo.
Hơn nữa, tại thời điểm diễn ra cuộc họp ngày 21/7/2014, bị cáo Bảy đang giữ chức vụ là Phó Chủ tịch HĐND xã, không có thẩm quyền trong việc quyết định chi ngân sách xã. Mặt khác, bị cáo không có bất kì động cơ, mục đích để phạm tội, không nhận lợi ích gì trong việc này. Vì vậy, người bào chữa đề nghị HĐXX xem xét việc tuyên bị cáo không phạm tội.
Phán quyết của Tòa
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo được chứng minh tại đơn tố giác của bị cáo Hoàng Văn Bảy. Lời khai của những người bị hại và người làm chứng, lời khai của 6 bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ đã được thẩm tra khách quan tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận các bị cáo đã phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Đối với việc bị cáo Bảy không thừa nhận tham gia cuộc họp bàn thống nhất mức thu phí chuyển đổi đất nông nghiệp khoảng tháng 12/2013, tuy nhiên bị cáo Bảy không đưa ra được căn cứ chứng minh đối với lời khai của bị cáo.
Theo HĐXX, tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Bảy cho rằng lời khai 6 bị cáo còn lại không khách quan, có thể các bị cáo này đã thông cung bàn bạc thống nhất việc khai bị cáo Bảy tham gia cuộc hội ý tháng 12/2013 nhằm mục đích để cho bị cáo Bảy cùng phạm tội với các bị cáo. Tuy nhiên, luật sư không đưa được ra căn cứ để chứng minh.
Căn cứ vào tài liệu hồ sơ có trong vụ án, Tòa xác định có đủ căn cứ xác định bị cáo Bảy có tham gia cuộc hội ý vào khoảng cuối năm 2013 bàn về việc thu tiền của 12 hộ dân có nguyện vọng chuyển đổi đất 03 vào đất khoán thầu trang trại, có bàn bạc và đưa ra mức thu 5 triệu đồng/sào.
Tòa xác định, hành vi phạm tội được thực hiện vào các năm 2013 - 2014 khi Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành nhưng đến năm 2022 - 2023 khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực mới bị phát hiện. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 của Quốc hội nên sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với hành vi phạm tội của các bị cáo. Việc VKS huyện Tiên Lữ thay đổi quan điểm truy tố đối với các bị cáo là đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Đúng 20h15 phút ngày 1/3, HĐXX quyết định đưa ra phán quyết đối với 7 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Lương Công Đậu bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù; bị cáo Đào Xuân Hạnh 2 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Đào Văn Tuyến 2 năm 9 tháng tù, cho hưởng án treo; bị cáo Đào Văn Doan 2 năm tù, cho hưởng án treo. 3 bị cáo Bùi Văn Quynh, Bùi Văn Sỹ, Hoàng Văn Bảy cùng bị tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo.