VKSND cấp cao tại Đà Nẵng chỉ ra vi phạm trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy, việc giải quyết vụ án dân sự 'Tranh chấp chia di sản thừa kế' của TAND tỉnh L có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.

HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

Theo nội dung vụ án, vợ chồng cụ Dương Th (chết năm 1993) và cụ Lê Thị Tr (chết năm 2001) có 8 người con gồm: Dương Thị Ch, Dương T, Dương Đ (chết năm 2021), Dương Ngọc Ch, Dương Ch, Dương Anh H (chết năm 2002), Dương Minh L và Dương Minh H (chết năm 2011). Di sản của cụ Th và cụ Tr để lại là thửa đất số 366, tờ bản đồ số 10, diện tích 2.080m² (đất khu dân cư), đã được UBND huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 15/9/1992 đứng tên cụ Dương Th.

Ngày 28/3/2006, 7 anh chị em trong gia đình đã họp giao thửa đất 366 cho ông Dương Anh H toàn quyền quản lý, sử dụng (không có bà Dương Thị Ch). Ngày 7/8/2006, hộ ông Dương Anh H được UBND huyện N cấp GCNQSDĐ diện tích 2.080m². Năm 2006, ông H qua đời, thửa đất này do bà Nguyễn Thị Bích Th (vợ ông H) quản lý, sử dụng.

Bà Dương Thị Ch khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất 366, diện tích thực tế 3.664,8m² và yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp ngày 7/8/2006 cho ông Dương Anh H. Bà Ch có nguyện vọng nhận bằng hiện vật và nhập chung với kỷ phần của các em trai để làm nơi thờ cúng cha mẹ.

 Viện 2 - VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các vụ án dân sự.

Viện 2 - VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các vụ án dân sự.

Bị đơn bà Nguyễn Thị Bích Th cho rằng, thửa đất tranh chấp là của cha mẹ ông H để lại. Ngày 28/03/2006, các con của cụ Dương Th và cụ Lê Thị Tr đã họp gia đình và thống nhất giao ông Dương Anh H toàn quyền quản lý, sử dụng thửa đất của cha mẹ. Biên bản cuộc họp có xác nhận của Ban tự quản thôn và UBND xã Phú X ngày 17/5/2006. Trên cơ sở cuộc họp gia đình, ông H đã được UBND huyện N cấp GCNQSDĐ ngày 7/8/2006. Ngày 26/11/2006, ông H qua đời. Bị đơn bà Th đồng ý thanh toán giá trị cho bà Ch hoặc chia đất cho bà Ch; còn đối với 7 anh em đã đồng ý nhường lại kỷ phần thừa kế cho ông H nên bà Th không đồng ý chia thừa kế.

Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2023/DS-ST ngày 22/6/2023 của TAND tỉnh L quyết định: "Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Thị Ch và đơn yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Dương T, ông Dương Ngọc Ch, ông Dương Ch, ông Dương Minh L, bà Nguyễn Thị Thái L và bà Trần Thị Minh L:

Xác nhận lô đất diện tích 3.664,8m² tại thửa đất số 366, tờ bản đồ số 10 theo GCNQSDĐ số AC 969938 do UBND huyện N cấp ngày 7/8/2006 cho hộ ông Dương Anh H là di sản thừa kế của cụ Dương Th và cụ Lê Thị Tr để lại. Giao cho bà Nguyễn Thị Bích Th được quyền sử dụng 3.664,8m² đất tại thôn Xuân T, xã Phú X, huyện N và sở hữu toàn bộ tài sản trên đất".

Bà Nguyễn Thị Bích Th có nghĩa vụ thanh toán cho bà Dương Thị Ch; ông Dương T; ông Dương Ngọc Ch; ông Dương Ch; ông Dương Minh L mỗi người 275 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thái L, anh Dương Văn M số tiền 275 triệu đồng. Bà Trần Thị Minh, chị Dương Nguyễn Tr, chị Dương Tường V và chị Dương Quỳnh M số tiền 275 triệu đồng".

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn bà Dương Thị Ch kháng cáo đề nghị nhận di sản bằng hiện vật. Bị đơn bà Nguyễn Thị Bích Th kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS 2015, chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị đơn và nguyên đơn; sửa một phần bản án sơ thẩm; xác định di sản thừa kế là 2.080m², tính công sức cho bị đơn và chia cho nguyên đơn một phần di sản thừa kế bằng hiện vật để đảm bảo có nơi thờ cúng.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 104/2024/DS-PT ngày 10/4/2024, TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và sửa bản án sơ thẩm, tính công sức cho bị đơn và chia cho nguyên đơn một phần di sản thừa kế bằng hiện vật.

Giao cho bà Nguyễn Thị Bích Th được quyền sử dụng diện tích đất, 1.093,70m². ) Buộc bà Th giao cho 7 đồng thừa kế 1 lô đất có diện tích 986,30m². Buộc bà Nguyễn Thị Bích Th có nghĩa vụ thanh toán cho 7 đồng thừa kế là bà Dương Thị Ch, ông Dương T; ông Dương Ngọc Ch; ông Dương Ch: ông Dương Minh L mỗi người số tiền 75 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thải L, anh Dương Văn M số tiền 75 triệu đồng. Bà Trần Thị Minh, chị Dương Nguyễn Tr, chị Dương Tường V và chị Dương Quỳnh M số tiền 75 triệu đồng.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Thông qua việc kiểm sát giải quyết vụ án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy, các đương sự đều thừa nhận cụ Dương Th và cụ Lê Thị Tr để lại di sản là thửa đất số 366, tờ bản đồ số 10, diện tích 2.080m² đã được UBND huyện N cấp GCNQSDĐ ngày 15/9/1992 đứng tên cụ Dương Th.

Tại Biên bản cuộc họp gia đình ngày 28/03/2006, 7 anh, chị, em (con cụ Th và cụ Tr) chỉ giao cho ông H quyền quản lý, sử dụng, không có quyền định đoạt đối với thửa đất và cuộc họp không có bà Dương Thị Ch nên TAND cấp sơ thẩm xác định thửa đất 366 là di sản thừa kế của cụ Th và cụ Tr là đúng quy định.

 Tháng 7/2024, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề “Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Tháng 7/2024, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề “Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Tuy nhiên, theo GCNQSDĐ cấp ngày 15/9/1992 cho cụ Dương Th và GCNQSDĐ cấp cho hộ ông Dương Anh H ngày 7/8/2006, thửa đất số 366 chỉ có diện tích đất 2.080m², nhưng diện tích đo đạc thực tế là 3.664,8m² (lớn hơn GCNQSDĐ là 1.584,8m²). TAND cấp sơ thẩm không làm rõ diện tích đất chênh lệch này có từ đâu, nhưng đã xác định toàn bộ diện tích đất 3.664,8m² là di sản thừa kế của cụ Th và cụ Tr, điều này là chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án.

Bị đơn bà Th cho rằng, phần đất biến động tăng thêm là từ năm 2003, gia đình bà khai phá, lấn chiếm dần diện tích đất bỏ trống của Hợp tác xã 1, Phú X (HTX đã giải thể) nên diện tích đất mới có thêm. Diện tích đất này không phải là của vợ chồng cụ Th. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị đơn cung cấp tài liệu có xác nhận của một số người dân tại địa phương và được UBND xã chứng thực, phù hợp với GCNQSDĐ đã cấp cho cụ Th và cấp cho hộ ông H. Do đó, chỉ có cơ sở xác định di sản thừa kế của cụ Th và cụ Tr là diện tích đất 2.080m².

Mặt khác, gia đình bị đơn đã ở với cụ Th và cụ Tr tại thửa đất này đến khi xảy ra tranh chấp đã hơn 20 năm, nên có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, làm tăng giá trị di sản thừa kế, nhưng khi chia thừa kế, TAND cấp sơ thẩm không tính công sức cho bà Th, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Th.

Ngoài ra, các đồng thừa kế đều có nhu cầu nhận hiện vật để góp phần sử dụng chung làm nhà thờ cúng cha mẹ, và diện tích đất chia thừa kế 2.080m² có thể chia được. Tuy nhiên, TAND cấp sơ thẩm lại giao toàn bộ thửa đất cho bị đơn mà không chia bằng hiện vật cho các đồng thừa kế, dẫn đến xét xử không phù hợp với nguyện vọng của các đương sự trong vụ án.

Vì vậy, bản án phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và nguyên đơn; sửa bản án sơ thẩm, xác định di sản thừa kế là 2.080m², tính công sức cho bị đơn và chia cho các đồng thừa kế diện tích đất 986,30m² (trong đó có 200m² đất ở) để đảm bảo có nơi thờ cúng cha mẹ và buộc bị đơn trả lại giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế.

Từ vi phạm của TAND tỉnh L trong việc giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp chia di sản thừa kế", VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến VKSND các tỉnh, thành trong khu vực tham khảo và rút kinh nghiệm khi kiểm sát giải quyết các vụ án tương tự.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vksnd-cap-cao-tai-da-nang-chi-ra-vi-pham-trong-vu-an-tranh-chap-di-san-thua-ke-166280.html