VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng rút kinh nghiệm một vụ án cho thuê quyền sử dụng đất trái luật

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, vợ chồng ông A sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm, không được quyền cho thuê lại đất.

Ngày 5-6 vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Kiện yêu cầu hủy hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê mái và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” giữa nguyên đơn ông A với bị đơn Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển năng lượng 35 (Công ty 35).

Theo hồ sơ, năm 2020, hộ kinh doanh do vợ ông A đứng tên và Công ty 35 (do ông M là giám đốc) ký hợp đồng thuê diện tích mái nhà với mục đích gia công và lắp pin năng lượng điện mặt trời áp mái. Cạnh đó, vợ chồng ông A và Công ty 35 ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất với thời hạn cho thuê là 30 năm.

 Hình minh họa

Hình minh họa

Cho rằng Công ty 35 đã làm khống hợp đồng thuê mái và vợ ông A cho thuê đất chưa được sự đồng ý của ông nên ông A khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng thuê mái và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất vô hiệu. Trong khi đó, Công ty 35 đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông A về đề nghị tuyên vô hiệu đối với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Công ty 35 không đồng ý với yêu cầu tuyên bố hợp đồng thuê mái vô hiệu...

Xử sơ thẩm năm 2022, tòa quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông A tuyên bố hợp đồng thuê mái vô hiệu. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông A tuyên bố hợp đồng thuê quyền sử dụng đất vô hiệu...

Sau khi xét xử sơ thẩm, hai bên đều kháng cáo.

Tháng 3-2023, cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông A.

Sau đó, vợ chồng ông A có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 8-8-2023, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đối với bản án phúc thẩm.

Tháng 9-2023, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh L xét xử phúc thẩm lại.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hợp đồng thuê mái do vợ ông A (đại diện hộ doanh) ký với Công ty 35 là đúng quy định. Hai vợ chồng ông A cùng tham gia góp vốn hiện dự án. Do đó, ông A cho rằng vợ ông ký hợp đồng cho thuê mái, không được sự đồng ý của ông A nên yêu cầu tuyên bố hợp đồng thuê mái vô hiệu là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đã công nhận hợp đồng thuê mái có hiệu lực là đúng quy định.

Đối với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất do vợ chồng ông A ký với Công ty 35, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25-9-2020 của UBND huyện P đã công nhận hộ kinh doanh vợ ông A có quyền sử dụng thửa đất, loại đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.

Theo khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2013, vợ chồng ông A sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm, không được quyền cho thuê lại đất. Thế nhưng ngày 28-9-2020, vợ chồng ông A ký hợp đồng cho Công ty 35 thuê là trái pháp luật.

Do đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng thuê quyền sử dụng đất vô hiệu là có cơ sở. Tòa án cấp phúc thẩm công nhận hiệu lực của hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, trong vụ án có một số người góp vốn cùng ông M đầu tư dự án sản xuất, bán điện mặt trời áp mái. Những người này yêu cầu Công ty 35 trả tiền gốc đã góp vốn và yêu cầu trả lãi nhưng tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét, giải quyết đầy đủ, thỏa đáng yêu cầu của những này. Vì vậy, cần hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-cap-cao-tai-da-nang-rut-kinh-nghiem-mot-vu-an-cho-thue-quyen-su-dung-dat-trai-luat-post795764.html