VKSND tỉnh Vĩnh Phúc làm tốt công tác phối hợp giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ
Liên ngành tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Tại trụ sở cơ quan VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, Liên ngành Viện kiểm sát - Công an - Tòa án nhân dân - Cục thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Đồng chí Lê Tất Hiếu, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc dự và chủ trì Hội nghị.
Đồng chủ trì Hội nghị: Đồng chí Tạ Đức Diễn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT; Đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo ngành Tòa án, Cục thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc; Lãnh đạo, cán bộ theo dõi chuyên đề các phòng thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh; Lãnh đạo, Kiểm sát viên theo dõi chuyên đề thuộc Phòng 1, Phòng 2 VKS tỉnh và VKS các huyện, thành phố; Chánh án, cán bộ theo dõi chuyên đề của Tòa án nhân dân các huyện, thành phố.
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo tóm tắt sơ kết 3 năm thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 01/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Theo đó, kể từ khi Thông tư liên tịch số 01/2020 có hiệu lực, các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn chú trọng chỉ đạo sát sao, thường xuyên đôn đốc, tích cực phối hợp rà soát định kỳ, thống kê các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo liên ngành trong triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 01/2020, kết quả đã giải quyết: 1244 vụ/168 bị can (chiếm 59,4% tổng số vụ án tạm đình chỉ phải giải quyết), trong đó: Phục hồi giải quyết 163 vụ/168 bị can; số vụ án, bị can đã đình chỉ theo khoản 2, khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 (tính đến ngày 28/2/2023) là: 1081 vụ/0 bị can.
Qua gần 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020, số vụ án tạm đình chỉ đã giảm đáng kể, điều này giúp việc theo dõi, quản lý được thuận lợi hơn. Đồng thời, thông qua việc rà soát hồ sơ vụ án tạm đình chỉ từ trước đến nay, liên ngành tư pháp còn đánh giá được thực trạng hồ sơ án tạm đình chỉ, phát hiện những tồn tại trong các hồ sơ trước đây, chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; từ đó có giải pháp quản lý cũng như khắc phục, xử lý phù hợp, kịp thời, đúng quy định.
Hội nghị đã được nghe tham luận của đại diện Công an, VKSND các đơn vị, địa phương đánh giá về việc thực hiện quy định pháp luật và áp dụng pháp luật, các bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất định cần được khắc phục kịp thời.
Do đó, liên ngành tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2020, trong đó cần tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của từng ngành đối với công tác rà soát, quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa của liên ngành trong giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn tồn đọng. Những vụ án, vụ việc phức tạp cần tổ chức phải họp liên ngành để giải quyết; nếu khó khăn, vướng mắc thì báo cáo thỉnh thị, xin ý kiến cấp trên; các đơn vị ở cấp tỉnh phải quan tâm, nắm đầy đủ, kịp thời khó khăn, vướng mắc của cấp dưới để nghiên cứu, báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo liên ngành cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Trung ương về việc hạn chế số lượng vụ án tạm đình chỉ phát sinh mới, phòng ngừa việc lạm dụng khởi tố vụ án sau đó tạm đình chỉ vì mục đích khác; Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần đảm bảo chặt chẽ căn cứ khởi tố vụ án, khi chưa rõ dấu hiệu của tội phạm hình sự thì kiên quyết thống nhất không khởi tố vụ án hình sự; không để xảy ra tình trạng lợi dụng các quy định về tạm đình chỉ để tránh việc phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.