VKSND tối cao có nhiều nỗ lực và thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW
VKSND tối cao đã có những nỗ lực trong việc thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW, qua đó đã góp phần kiện toàn và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức ngành KSND. VKSND tối cao cũng đã chủ động và tích cực trong việc kí kết các hiệp định về tương trợ tư pháp, đặc biệt, đối với những vấn đề chưa có tiền lệ như việc thu hồi tài sản...
Đại diện ngành KSND, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp sáng nay (2/11).
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn đề nghị cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, am hiểu luật pháp quốc tế, bởi trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay đòi hỏi phải có đội ngũ làm pháp luật giỏi, đủ sức vươn tầm quốc tế để tránh thua thiệt khi xảy ra tranh tụng quốc tế…
Tóm tắt kết quả thực hiện Chỉ thị 39, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp được thực hiện bám sát với 5 nguyên tắc, định hướng của Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9/12/2009 của Ban Bí thư.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức đã phân tích, đánh giá đúng nhu cầu hợp tác, chủ động lựa chọn đối tác, xây dựng nội dung chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án đã ký kết, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; thực hiện tốt việc quản lý, điều phối và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...
Các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ký kết, gia nhập 340 điều ước, thỏa thuận và thỏa thuận hợp tác quốc tế (với các hình thức như hiệp định, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, biên bản hội đàm); đàm phán, phê duyệt và triển khai thực hiện khoảng 266 chương trình, dự án trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thông qua các hình thức như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn; đã ký kết 37 điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và các nước trên thế giới…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, Chỉ thị 39 có vai trò quan trọng trong việc xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế.
Việc tổng kết Chỉ thị 39 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020. Kết quả tổng kết Chỉ thị sẽ góp phần vào việc đề xuất với cấp có thẩm quyền về định hướng, chính sách công tác đối ngoại, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong tình hình mới…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần tăng cường nguồn lực và đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, trình độ ngoại ngữ và tin học trong quá trình thực hiện. Trong đó, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong việc tham gia vào giải quyết các vụ việc và tranh chấp quốc tế, đồng thời, tăng cường việc quán triệt sâu sắc và đầy đủ đến các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ về Chỉ thị này; xây dựng và thực hiện các cơ chế, giải pháp đối với việc triển khai Chỉ thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ như hiện nay; cụ thể hóa 5 nguyên tắc, định hướng để triển khai thực hiện Chỉ thị thực sự hiệu quả...