VKSND tối cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc tổ chức Hội thảo trực tuyến
Ngày 7/6, VKSND tối cao Việt Nam phối hợp với VKSND tối cao Trung Quốc tổ chức Hội thảo trực tuyến về công tác số hóa hồ sơ, tài liệu và quản lý án hình sự. Đồng chí Nguyễn Đức Bằng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao và đồng chí Mã Kỳ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao Trung Quốc đồng chủ trì Hội thảo tại điểm cầu mỗi nước.
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu VKSND tối cao Việt Nam có lãnh đạo Văn phòng VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; công chức, lãnh đạo cấp phòng thuộc Văn phòng VKSND tối cao.
Tại điểm cầu VKSND tối cao Trung Quốc, tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng VKSND tối cao Trung Quốc; lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Hợp tác quốc tế và Văn phòng VKSND tối cao Trung Quốc; Giám đốc Trung tâm, lãnh đạo cấp phòng một số đơn vị thuộc Trung tâm Quản lý án VKSND tối cao Trung Quốc…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Bằng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao khẳng định, việc tổ chức Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiệp vụ giữa VKSND tối cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần làm sâu đậm thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng chí Chánh Văn phòng VKSND tối cao Nguyễn Đức Bằng cho biết, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương đặc biệt quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, là yêu cầu cấp thiết để phát triển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cải cách tư pháp, trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong những năm gần đầy, lãnh đạo VKSND tối cao xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số là "đòn bẩy" để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác thống kê, lưu trữ; đồng thời, để khai thác sử dụng dữ liệu hiệu quả, phục vụ công tác chuyên môn.
Đồng chí Chánh Văn phòng VKSND tối cao khẳng định, để triển khai thực hiện hiệu quả những mục tiêu này, VKSND tối cao Việt Nam rất coi trọng việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của cơ quan tư pháp các nước, trong đó có hệ thống VKSND Trung Quốc.
Đồng chí mong muốn, với việc tổ chức Hội thảo, hai bên sẽ trao đổi, thảo luận sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về công tác số hóa hồ sơ, tài liệu và quản lý án hình sự nhằm phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn của ngành Kiểm sát nhân dân hai nước trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Bằng, Chánh Văn phòng VKSND tối cao Việt Nam và đồng chí Hồ Quang Dương, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao Trung Quốc đã giới thiệu về công tác số hóa hồ sơ, tài liệu của VKSND tối cao Việt Nam và VKSND tối cao Trung Quốc.
Hội thảo cũng nghe các ý kiến thảo luận, trao đổi về một số nội dung, như: Thuận lợi, khó khăn, biện pháp giải quyết khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi; tiêu chuẩn định dạng dữ liệu; cách thức số hóa tài liệu bằng hiện vật; giá trị pháp lý của những tài liệu được số hóa; mô hình trình duyệt - máy chủ; đối tượng được truy cập vào hệ thống; quy trình, trình tự truy cập, lấy hồ sơ trực tuyến; tính bảo mật, mức độ an toàn…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Mã Kỳ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức Hội thảo này. Đồng chí khẳng định, trong khuôn khổ Hội thảo, Văn phòng VKSND Trung Quốc sẽ giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm của mình về số hóa hồ sơ, tài liệu và quản lý án hình sự để VKSND Việt Nam tham khảo, vận dụng trong công tác thống kê, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, phục vụ có hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động của Viện kiểm sát.
Theo kế hoạch, chiều nay (7/6), hai bên tiếp tục trao đổi về các nội dung liên quan đến kinh nghiệm quản lý án hình sự, như: Phương thức tổ chức, phối hợp báo cáo, chia sẻ thông tin, triển khai nhập liệu; công tác giám sát quá trình giải quyết án, xử lý khắc phục trong trường hợp cảnh báo gặp sự cố; quy trình, cách thức đánh giá và tiêu chí cụ thể đối với các vụ án được đưa ra để đánh giá chất lượng;…