VKSND tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính

VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2024 trong ngành KSND.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ, trước hết là kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tập trung kiểm sát đối với việc THAHC có chủ thể phải thi hành án là Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND các cấp; tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC nhưng không kịp thời thi hành án nhằm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng, kéo dài. Xây dựng Báo cáo chuyên đề về kiểm sát THAHC theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS, tăng cường trực tiếp kiểm sát đột xuất, trực tiếp kiểm sát theo chuyên đề về THADS. Chú trọng thực hiện kiểm sát đối với hồ sơ việc THADS có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc THADS được báo chí phản ánh; việc THADS liên quan đến đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển đến. Tăng cường thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát đột xuất hoặc yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc THADS có áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhất là việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Kiểm sát chặt chẽ các vụ việc THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo hoặc việc tồn đọng kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước.

Thực hiện các giải pháp kiểm sát chặt chẽ việc cơ quan THADS phân loại việc thi hành án; tăng cường thực hiện trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án đối với các việc cơ quan THADS đã phân loại chưa có điều kiện thi hành.

 Đại diện VKSND tham gia kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản. (Ảnh minh họa)

Đại diện VKSND tham gia kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản. (Ảnh minh họa)

Tổng kết 7 năm thực hiện Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 810). Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế 810, báo cáo, đề xuất và trình lãnh đạo VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung Quy chế.

Mặt khác, kịp thời phát hiện vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức THADS, THAHC để ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị, đảm bảo đạt và vượt tỉ lệ kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận theo chỉ tiêu của Ngành; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về THADS, THAHC và công tác thống kê, báo cáo kết quả kiểm sát THADS, THAHC để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo đơn vị.

Cũng theo Hướng dẫn, trong các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Viện kiểm sát các cấp cần xác định 3 nội dung nhiệm vụ công tác đột phá trong năm 2024, đó là: Tập trung kiểm sát chặt chẽ việc THAHC có người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm trong việc không kịp thời tổ chức THAHC.

Nâng cao hiệu quả kiểm sát các vụ việc THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chú trọng kiểm sát đối với các vụ việc có áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Tăng cường thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát đột xuất hoặc yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc THADS có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc THADS được báo chí phản ánh; việc THADS liên quan đến đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển đến.

Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC còn đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp thực hiện trong công tác kiểm sát THADS, kiểm sát THAHC; công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC; công tác kháng nghị, kiến nghị…

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vksnd-toi-cao-huong-dan-cong-tac-kiem-sat-thi-hanh-an-dan-su-hanh-chinh-151904.html