VKSND Tối cao rút kinh nghiệm một vụ án đòi lại đất có nhiều vi phạm

Theo VKSND Tối cao, tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của ông T kiện chủ tịch UBND tỉnh là không có căn cứ...

Vừa qua, VKSND Tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai giữa người khởi kiện là ông T với người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh C.

UBND 2 cấp đều bác khiếu nại

Theo ông T, năm 1986, ông nhận chuyển nhượng của ông M hai bang đất (đơn vị đo của người dân địa phương). Sau đó, gia đình ông T quản lý, sử dụng ổn định thì bị bà D đến chặt cây của ông. Ông T khiếu nại thì được biết bà D khai đất bà mua của ông P. Ông T khiếu nại đòi lại đất.

Năm 2011, giải quyết khiếu nại ủy ban hai cấp đều không chấp nhận yêu cầu đòi đất của ông T.

Sau đó, năm 2014, bà D đã được cấp giấy chứng nhận (GCN). Năm 2015, bà D chuyển nhượng cho vợ chồng ông Q.

Ông T khởi kiện yêu cầu hủy 2 quyết định giải quyết khiếu nại và hủy GCN đã cấp cho vợ chồng ông Q, trả lại đất cho ông.

Xử sơ thẩm hồi tháng 11-2018, tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Ông T kháng cáo.

Xử phúc thẩm tháng 2-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

Ngày 27-12-2022, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm; giao hồ sơ cho tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại phúc thẩm.

Tháng 6-2023, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị nêu trên.

 Hình minh họa

Hình minh họa

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Tối cao, ông T nhận chuyển nhượng từ ông M nhưng văn bản sang rẫy chỉ thể hiện diện tích, không thể hiện về vị trí, ranh giới tứ cận, chiều dài, ngang. Việc ông T đặt lú bắt tôm cá, trồng cây trên đất để cải thiện đời sống không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của ông T...

Còn bà D mua của ông P, việc sang nhượng có làm giấy có bàn cận, kế cận chứng kiến, có vị trí tứ cận. Theo đơn xác nhận nguồn gốc đất của bà D có xác nhận của Ban nhân dân ấp thể hiện bà D nhận sang nhượng phần đất của ông P, bà D quản lý và sử dụng cho đến năm 2013 là đúng sự thật.

Như vậy, xét về nguồn gốc đất thì bà D có nguồn gốc đất rõ ràng, quá trình sử dụng có kê khai, đăng ký. Trong khi đó, ông T không có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất tranh chấp.

Do vậy, việc ủy ban giải quyết khiếu nại bác yêu cầu của ông T là có căn cứ.

Ông T không thực hiện việc đăng ký kê khai, không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào; ông T cũng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực tại thời điểm tranh chấp). Do đó, việc ông T đòi lại đất là không có cơ sở.

Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận khởi kiện của ông T là không có căn cứ, không đúng với những tài liệu, chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong việc chưa xem xét đánh giá nhận định đầy đủ toàn diện các tình tiết khách quan, các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T là có căn cứ. Vì vậy, VKSND Tối cao nhận thấy không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, kéo dài thời gian tố tụng.

VKS cấp sơ thẩm xác định UBND ban hành các quyết định hành chính là đúng quy định, việc đòi lại đất của ông T là không có cơ sở, đề nghị bác yêu cầu của ông T là có căn cứ, đúng pháp luật, từ đó đã thực hiện tốt công tác kiểm sát.

VKS cấp phúc thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại là không đúng quy định, chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án.

Nâng cao vị trí, vai trò của VKS

Theo VKSND Tối cao, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật đất đai, các văn bản hướng dẫn, nghiên cứu kỹ các tài liệu, hồ sơ về đất đai qua các thời kỳ, đối chiếu với các ý kiến, lời trình bày về nguồn gốc đất của những người có liên quan để phát biểu quan điểm giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Từ đó, thực hiện tốt công tác kiểm sát, phát hiện vi phạm của tòa án, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo đúng quy định. Cạnh đó, VKS cấp trên cần có quan điểm kiên quyết để bảo vệ bản án giải quyết đúng pháp luật, nâng cao vị trí, vai trò của VKS.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-toi-cao-rut-kinh-nghiem-mot-vu-an-doi-lai-dat-co-nhieu-vi-pham-post802382.html