VKSND Tối cao rút kinh nghiệm về giải quyết bồi thường nhà nước

Một số vụ việc không xác định được việc giao nhận các quyết định nhưng yêu cầu bồi thường vẫn được thụ lý sau nhiều năm có quyết định đình chỉ bị can.

Vừa qua (31-5), VKSND Tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Theo VKSND Tối cao, việc quản lý, hướng dẫn, giải quyết bồi thường nhà nước có một số vi phạm. Cụ thể, trong thời gian qua, một số VKS chưa thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc báo cáo, thống kê, quản lý công tác giải quyết yêu cầu bồi thường. Chậm gửi báo cáo, số liệu; báo cáo chưa đầy đủ, chưa đúng theo đề cương, biểu mẫu quy định; chưa kịp thời báo cáo tiến độ các vụ việc trong quá trình giải quyết; chưa tiến hành kiểm tra và ban hành thông báo rút kinh nghiệm nào về công tác bồi thường đối với cấp dưới.

 Hình minh họa.

Hình minh họa.

Một số vụ việc giải quyết còn chậm, mặc dù các đơn vị đã nhiều lần thỉnh thị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND Tối cao và đã nhận được văn bản hướng dẫn kịp thời.

Một số vụ việc, cơ quan giải quyết bồi thường trả lời đương sự hết thời hiệu giải quyết yêu cầu bồi thường, trong khi vụ việc đó không thuộc trường hợp được bồi thường nhà nước hoặc không thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành kiểm sát.

Có vụ việc, cơ quan giải quyết bồi thường trả lời đương sự chưa đủ điều kiện thụ lý, giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường do chưa cung cấp được văn bản, tài liệu làm căn cứ yêu cầu bồi thường, mà không giải thích cho đương sự về quyền được yêu cầu cơ quan, tổ chức thu thập hoặc cung cấp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Cạnh đó, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Từ đó, VKSND Tối cao yêu cầu các VKS địa phương cần rút kinh nghiệm như sau:

- Các VKS địa phương phải thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc báo cáo, thống kê, quản lý theo Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC-V7 ngày 25-10-2019 của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác quản lý việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKS. Định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 12 tháng và thời điểm xây dựng Báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội.

- Đối với việc đương sự không cung cấp được tài liệu, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, cần phối hợp với các cơ quan liên quan truy tìm hồ sơ vụ án, xác định rõ việc người yêu cầu bồi thường có nhận được các tài liệu, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hay chưa.

Trường hợp không tìm được tài liệu, hồ sơ vụ án thì trả lời đương sự về việc chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường để xem xét thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường. Trường hợp người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu xác minh thì cần làm rõ để trả lời.

- Về vấn đề thời hiệu, việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự đã được quy định chi tiết trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Việc áp dụng điều luật để giải quyết trên tinh thần cầu thị và có lợi nhất cho người bị thiệt hại đã được các cơ quan giải quyết bồi thường áp dụng triệt để.

Cụ thể, một số vụ việc không xác định được việc giao nhận các quyết định tố tụng giữa cơ quan nhà nước với người bị thiệt hại (quyết định đình chỉ vụ án, bị can...). Do vậy, việc gửi đơn yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại nhiều năm sau khi có quyết định đình chỉ bị can vẫn được cơ quan giải quyết bồi thường chấp nhận, thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, việc xác định các thiệt hại để áp dụng mức tiền bồi thường trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường cần phải thực hiện đúng theo các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-toi-cao-rut-kinh-nghiem-ve-giai-quyet-boi-thuong-nha-nuoc-post794946.html