VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính
VKSND tối cao vừa ban hành Thông báo số 901/TB-VKSTC rút kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính thông qua kiểm tra công tác này tại VKSND một số địa phương để VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, vận dụng.
Theo VKSND tối cao, trong công tác chỉ đạo, điều hành, VKSND các tỉnh được kiểm tra (Vĩnh Phúc, Yên Bái, Đồng Tháp, Cà Mau) đã triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của Ngành năm 2020; Chỉ thị số 07/2017/VKSTC ngày 23/11/2017 của VKSND tối cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính (THADS-HC); Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC ngày 3/1/2020 của VKSND tối cao (Vụ 11) về việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá công tác kiểm sát THADS-HC năm 2020.
Các Viện kiểm sát cũng đã đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả"; đề ra nhiều biện pháp nhằm đổi mới phương pháp kiểm sát, chủ động phối hợp liên ngành để thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS-HC. Kịp thời xây dựng Chương trình công tác năm và Hướng dẫn VKSND cấp huyện về công tác kiểm sát THADS-HC; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và lựa chọn biện pháp thực hiện phù hợp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác năm 2020.
Cùng với đó, VKSND cấp tỉnh và cấp huyện được kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo như: Báo cáo công tác tháng; báo cáo công tác quý; báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2020; báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm sát THADS-HC 6 tháng đầu năm 2020.
Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong công tác THADS-HC với các cơ quan Công an - Tòa án - THADS cùng cấp, nhằm đảm bảo phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cơ quan trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo của các đương sự. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát việc THADS-HC.
Trong việc mở hệ thống sổ và lập hồ sơ kiểm sát, các đơn vị được kiểm tra đã cơ bản thực hiện tốt quy định của VKSND tối cao về việc mở các loại sổ nghiệp vụ như: Sổ thụ lý, theo dõi việc nhận, xử lý các quyết định về thi hành án; Sổ thụ lý, theo dõi việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; Sổ thụ lý, theo dõi việc áp dụng biện pháp cưỡng chế; Sổ theo dõi các việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; Sổ theo dõi các việc chưa có điều kiện thi hành án; Sổ theo dõi các việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; Sổ theo dõi các việc đình chỉ thi hành án; Sổ theo dõi quyết định ủy thác THA... Nhìn chung, các loại sổ đều được cập nhật ghi chép cụ thể, rõ ràng.
Việc lập hồ sơ kiểm sát của các đơn vị được kiểm tra cơ bản thực hiện đúng quy định tại Điều 29 Quy chế công tác kiểm sát THADS-HC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 và Quyết định số 190/QĐ-VKSTC-VP ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ của ngành KSND.
Các hồ sơ kiểm sát được lập khoa học, mỗi hồ sơ kiểm sát thể hiện tương đối đầy đủ các loại tài liệu, như: Bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của Cơ quan THADS; photocopy biên bản xác minh của Cơ quan THADS; biên bản xác minh của Viện kiểm sát; bản trích cứu tài liệu của Kiểm sát viên; các ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên nghiên cứu, ý kiến phê duyệt của lãnh đạo đơn vị.
Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, các đơn vị được kiểm tra đã hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu cơ bản, như: Kiểm sát 100% quyết định thi hành án của Cơ quan THADS trong thời hạn luật định; hoàn thành phúc tra việc thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát, kiến nghị, kháng nghị năm 2019; trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án của Cơ quan THADS...
Cùng với những ưu điểm, VKSND tối cao (Vụ 11) cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc lập hồ sơ kiểm sát; việc kiểm sát hồ sơ thi hành án...