VKSND TP.HCM: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Qua gần 7 năm thực hiện việc phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, VKSND TP.HCM cùng các cơ quan tư pháp hai cấp khác tại TP đã đạt nhiều kết quả tích cực...

Chiều 16-4, VKSND TP.HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 02 ngày 5-9-2018 (của liên ngành tư pháp Trung ương) quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo và Thông tư liên tịch số 01 ngày 5-4-2018 quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp hai cấp tại TP.HCM.

Theo báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan tư pháp tại TP.HCM luôn xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ quan trọng.

Đối với Thông tư liên tịch số 01, các cơ quan tư pháp hai cấp tại TP.HCM phối hợp với nhau để kiểm tra, rà soát, đối chiếu, đảm bảo số liệu thống nhất, chính xác; xây dựng Quy chế phối hợp số 15210 ngày 18-9-2020 phối hợp báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 Quang cảnh hội nghị Sơ kết thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 01 và 02. Ảnh: AĐ

Quang cảnh hội nghị Sơ kết thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 01 và 02. Ảnh: AĐ

Đối với Thông tư liên tịch số 02, các cơ quan tư pháp hai cấp tại TP.HCM luôn theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo phát sinh và kiểm sát giải quyết đơn. Ban hành quyết định và kế hoạch kiểm tra, trực tiếp kiểm sát khiếu nại, tố cáo.

Qua gần 7 năm thực hiện hai thông tư, việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp hai cấp tại TP đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của cơ quan, cá nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Sang cho biết việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải quan tâm, giải quyết ngay từ cơ sở. Hiện tại, cơ quan điều tra đã bỏ cấp huyện và sắp đến tòa án, viện kiểm sát tiến tới bỏ cấp huyện, sắp xếp thành cấp khu vực.

 Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Sang. Ảnh: AĐ

Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Sang. Ảnh: AĐ

Ông Nguyễn Thanh Sang đề nghị các các cơ quan tư pháp tại TP tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; Chỉ thị số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TP.HCM.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Đảm bảo các trường hợp khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận, thụ lý, xử lý đúng thời hạn và thủ tục quy định. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, kịp thời báo cáo tránh phát sinh tiêu cực.

"Hiện nay, VKSND TP.HCM được Thành ủy giao xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và đã hoàn thành để tiến tới ký kết quy chế. Đây là điều hết sức đáng tuyên dương vì đơn vị đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thành ủy" - ông Sang phát biểu.

Cũng tại hội nghị, Viện trưởng VKSND TP.HCM Lê Văn Đông đã gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền và các cơ quan đã phối hợp với VKS để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành; góp phần đảm bảo an ninh, chính trị của toàn thành phố.

 Viện trưởng VKSND TP.HCM Lê Văn Đông. Ảnh: AĐ

Viện trưởng VKSND TP.HCM Lê Văn Đông. Ảnh: AĐ

Qua gần 7 năm thực hiện hai thông tư, các cơ quan tư pháp chủ động hơn trong báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phối hợp để việc kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nề nếp và chất lượng…

Tuy nhiên, qua theo dõi một số đơn vị thực hiện chưa tốt về phân loại đơn, chậm trễ xác minh nội dung đơn... Còn có những khó khăn, vướng mắc từ quy định của thông tư như: thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo ngắn; không quy định điều kiện thụ lý và cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

Viện trưởng VKSND TP.HCM Lê Văn Đông cho biết, trong thời gian tới VKSND TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, phân loại giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp...

Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, phân loại, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự; phân công cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm và thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài nhiều cấp.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vksnd-tphcm-thuc-hien-nghiem-tuc-hieu-qua-cong-tac-kiem-sat-va-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-post844776.html