Vladimir Putin, tổng thống của hành động!

Tổng thống Nga Vladimir Putin mang đai đen judo, không phải một chính trị gia kiểu truyền thống. Ông là một tổng thống của hành động, mang đầy đủ phẩm chất của võ thuật: quyết đoán, lanh lợi và hiếu chiến. Vụ việc Nga lập tức đưa quân sang Kazakhstan trấn áp bạo loạn vừa rồi chỉ là minh chứng mới nhất.

Không biết nói suông

Cách can thiệp quân sự quyết đoát của Putin thực ra không có gì mới. Ông đã làm như vậy ở Ukraine - khi sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và ở Syria - khi ném bom chống phiến quân chống chính phủ. Và mới nhất ông điều 70 chiếc máy bay chiến đấu đáp xuống thành phố Almaty, Kazakhstan với hàng ngàn lính nhảy dù lại khiến nhiều nhà quan sát phải choáng váng.

Rất dễ để thấy những hình ảnh ông Putin xuất hiện như một "đặc nhiệm" sẵn sàng hành động

Ông Putin, 68 tuổi, không giấu giếm quyết tâm lại sức mạnh của Nga sau nhiều năm bị Mỹ và các đồng minh NATO lấn át. Ông nắm quyền từ năm 2000, là nhà lãnh đạo Điện Kremlin tại vị lâu nhất kể từ khi Joseph Stalin qua đời năm 1953. Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ vào năm 2018, tức ít nhất sẽ còn lãnh đạo nước Nga đến năm 2024.

Thậm chí, một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi về cải cách hiến pháp Nga mới đây đã mang lại cho ông cơ hội làm tiếp nhiệm kỳ thứ 5, để ông có thể ở lại Điện Kremlin cho đến năm 2036!

Các nhà phê bình nhận thấy, những đặc điểm từ thời Liên Xô đã định hình thế giới quan của Putin. Ông từng là một điệp viên KGB trước khi nổi lên trong sự sụp đổ của Liên Xô. Ngay khi lên nắm quyền, ông đã khôi phục lại kiểu duyệt binh theo phong cách Liên Xô, rồi cả bản nhạc quốc ca Liên Xô hay cho phép việc sử dụng trở lại chân dung Stalin trong các cuộc diễu hành.

Một hình ảnh đầy khí chất khác của Putin, khi ông chạy xe phân khối lớn với nhóm Sói đêm trong một lễ hội Biển Đen

Vắc xin Covid được xuất khẩu rộng rãi của Nga gọi là Sputnik V, theo tên vệ tinh Sputnik của Liên Xô từng gây choáng váng cho phương Tây vào năm 1957, khi lần đầu đưa con người vào không gian. Ông Putin từng mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20". Ông cũng phẫn nộ trong cay đắng trước sự bành trướng của NATO đến tận biên giới nước Nga.

Việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine đã làm dấy lên sự dè chừng của phương Tây đối với ông Putin. Để rồi, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang băng giá như thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng lên án Putin và áp đặt các trừng phạt mới đối với Nga, vì cáo buộc tổng thống Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, tấn công mạng và “bắt nạt” Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ vào tháng 4 năm 2021 nhằm vào 32 thực thể và quan chức của Nga, bổ sung vào một danh sách vốn đã dài từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mỹ còn trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga sau đó. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đó chẳng hề khiến Putin mảy may dao động hay thay đổi quyết tâm. Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc, thậm chí phớt lờ tất cả.

Phương Tây còn cáo buộc ông Putin trợ giúp phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine bằng vũ khí hạng nặng và quân đội. Nhưng tổng thống Nga chỉ thừa nhận rằng các "tình nguyện viên" người Nga đã đến đó để giúp đỡ. Các sức ép, lệnh trừng phạt hay cảnh báo gần như không có nhiều ý nghĩa với ông Putin.

Sẵn sàng tung đòn phủ đầu

Ông Putin không thích xây dựng hình ảnh như một chính trị gia chỉn chu, chỉ biết hùng biện và đe dọa, mà là một thống soái hành động. Ông từng bay đến Chechnya bằng máy bay chiến đấu vào năm 2000. Những hình ảnh Putin tham gia vào các môn thể thao mạo hiểm, sử dụng các loại vũ khí hiện đại hay thậm chí chơi đùa cả với… hổ không hề khó tìm. Một cuộc khảo sát của Trung tâm uy tín Levada của Nga vào tháng 2 năm 2021 cho thấy 48% người Nga muốn ông Putin tiếp tục làm tổng thống sau năm 2024.

Một trong những hình ảnh đời thường những vẫn đầy tính "hành động" của ông Putin

Con số đó hẳn khiến nhiều chính trị gia phương Tây ghen tị, dù có thể nhiều người Nga đơn giản chỉ coi ông Putin là một sự đặt cược an toàn. Ông dù gì cũng đã giữ cho nước Nga ổn định và đang mạnh mẽ trở lại sau cuộc hỗn loạn thời hậu cộng sản những năm 1990.

Vladimir Putin lớn lên trong một khu nhà chật hẹp ở Leningrad - nay là St Petersburg - và thường phải đối đầu với những cậu bé địa phương to hơn và khỏe hơn. Điều đó đã thôi thúc ông học judo.

Theo trang web của Điện Kremlin, ông Putin muốn làm việc cho tình báo Liên Xô "ngay cả khi chưa học xong". "50 năm trước, đường phố Leningrad đã dạy tôi một quy tắc: nếu không thể tránh được một cuộc chiến, bạn phải tung cú đấm đầu tiên", ông Putin nói vào tháng 10/2015.

Putin giải thích, tốt hơn là chiến đấu với "những kẻ khủng bố" ở Syria hơn là đợi chúng tấn công Nga. Ông cũng sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ như một chiến binh khi bảo vệ quân đội của mình trước cuộc tấn công của quân ly khai ở Chechnya, với việc thề sẽ tiêu diệt "đến những kẻ cuối cùng".

Gruzia là một điểm nhấn khác của ông Putin. Năm 2008, lực lượng của ông đã đánh bại quân đội Gruzia và tiếp quản hai khu vực ly khai - Abkhazia và Nam Ossetia. Đó là một cuộc đụng độ mang đậm màu sắc cá nhân của ông với tổng thống thân NATO lúc bấy giờ của Gruzia là Mikheil Saakashvili. Và tất nhiên, Putin đã thắng vang dội.

Putin có thể sử dụng bất cứ loại vũ khí nào, từ chiến đấu cơ, xe tăng, súng đại bác cho đến súng bắn tỉa.

Với chiến lược phủ đầu túi bụi để sớm dập tắt các cuộc bạo loạn ở Belarus và mới nhất là Kazakhstan, Putin một lần nữa thể hiện hình ảnh của một thủ tướng “hành động”. Xin nhắc lại, hồi năm 2020, Belarus cũng xảy ra một tình trạng tương tự như ở Kazakhstan vừa rồi, khi xuất hiện làn sóng biểu tình và bạo loạn chống lại chính phủ. Do đã rút được kinh nghiệm từ việc để “mất” Ukraine hồi năm 2014, Putin lập tức sử dụng vũ lực, khi điều quân đến và sớm dẹp tan những kẻ nổi loạn.

Chính sách “cú đấm thép” của Putin cũng đã rất thành công ở Kazakhstan vừa rồi. Chỉ vài giờ sau khi nhận được lời cứu viện từ tổng thống Kazakhstan, lính dù Nga đã có mặt và sớm dẹp yên cuộc biểu tình chỉ sau vài ngày. Đến hôm qua, Putin đã tuyên bố chiến thắng trong sứ mệnh "giải cứu" này.

Putin rõ ràng không phải mẫu tổng thống “ngoại giao”, mà là một tổng thống “hành động”, sẵn sàng “dụng binh” một cách quyết đoán. Cũng chỉ ông mới dám hành động mạnh mẽ như vậy khi triển khai 100.000 quân và rất nhiều khí tài hạng nặng đến gần biên giới Ukraine, ngay khi có tin NATO muốn kết nạp quốc gia hàng xóm mà ông vẫn xem là “một phần máu thịt” của nước Nga này.

Cuộc chuyển quân đến Ukraine đã khiến cả phương Tây lo sợ và gấp rút kêu gọi đàm phán. Đơn giản họ hiểu rằng, Putin không chỉ nói suông hay đe dọa…

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vladimir-putin-tong-thong-cua-hanh-dong-post177031.html