Vlogger Giang Ơi: 'Ba mẹ mình 70 tuổi còn có câu cửa miệng: Cái gì không biết thì tra Google'

'Giang Ơi' - YouTuber được yêu thích rộng rãi trong cộng đồng teen vì sự cá tính và thẳng thắn đã chia sẻ với bạn đọc Hoa Học Trò những bí quyết khi đi du học Anh.

"Giang Ơi" là cô nàng vlogger 27 tuổi trên YouTube đang được yêu mến bậc nhất ở thời điểm hiện tại vì các video xoay quanh các chủ đề giản dị, đời thường: Du học, dọn tủ quần áo, làm sao để "cọc đi tìm trâu" thành công,... Cô nàng đã từng đi du học Anh nên sau đây hãy cùng chúng tớ "hỏi thăm" chị Giang Ơi thêm một số bí quyết du học Anh nhé!

Chị Giang Ơi

Chị Giang Ơi

Nhiều bạn đã xem qua vlog liên quan đến du học, chị thường nhấn mạnh đến những “mặt tối” của các trung tâm tư vấn du học: Phụ huynh muốn cho con họ đi du học mà chưa tìm hiểu kĩ, dựa 100% vào các trung tâm tư vấn có thể gây “tiền mất tật mang”, hiệu quả không xứng với số tiền họ bỏ ra. Vậy chị có lời khuyên gì đối với những bạn du học sinh Anh tương lai để tránh “bẫy” của các trung tâm tư vấn? Và các bạn có thể tự tìm hiểu bằng những cách nào để tiết kiệm tối đa chi phí?

Vlogger Giang Ơi: Hãy trang bị cho mình tư duy phản biện, đặt ra thật nhiều câu hỏi cho trung tâm tư vấn, ví dụ: Nếu mình muốn học ngành nghệ thuật, họ có tư vấn công tâm dựa trên nhu cầu của mình hay cố gắng đẩy mình vào một trường thuộc mảng kinh tế? Họ có xu hướng tư vấn một trường "ruột" nào cho hầu hết tất cả các học sinh tìm đến họ hay không? Các dịch vụ liên quan đến giấy tờ của họ liệu mình có thể tự làm? Bản thân mình đã dùng công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thông tin hay chưa? Mình quá cả tin vào một số trung tâm tư vấn là tại họ tìm cách "làm tiền" mình hay tại chính mình không chịu tự tìm hiểu?

Tự tìm hiểu không khó, vì các công cụ tìm kiếm trên mạng đã có sẵn rồi. Bên cạnh đó, các nước đều có những trang web tổng hợp thông tin các trường đại học, hỗ trợ các bước ứng tuyển. Visa xin như thế nào, điều kiện ra sao, cần nộp những gì đều đã có trên trang web chính thức của chính phủ mỗi nước. Bản thân mỗi trường đại học ở nước ngoài cũng đều có trang web riêng với thông tin cụ thể về từng khóa học, các môn học, cách dạy học, thời gian học, học phí, thông tin liên lạc của bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế, vân vân. Đến ba mẹ mình - năm nay 70 tuổi - còn có câu cửa miệng: "Cái gì không biết thì tra Google". Bạn là sinh viên trẻ khỏe nhạy bén, vậy lý do để lắc đầu không biết của bạn là gì?

Đồng bảng Anh có giá trị cao nhất trên thế giới, do đó chi phí học tập và ăn ở cũng vô cùng đắt đỏ, điều này có hoàn toàn đúng không?

Vlogger Giang Ơi: Không đúng, vì ở Anh học đại học hệ 3 năm và cao học hệ 1 năm. Tức là học ở Anh sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với một số nước khác như Mỹ, Canada với hệ đại học 4 năm và cao học 2 năm, tức là tiết kiệm chi phí hơn.

Các video của chị Giang Ơi không chạy "hụt hơi" theo xu hướng nhưng vẫn rất thức thời như thế này đây.

Các video của chị Giang Ơi không chạy "hụt hơi" theo xu hướng nhưng vẫn rất thức thời như thế này đây.

Bên cạnh đó, trong nước Anh cũng có nhiều trường đại học khác nhau với sự chênh lệch học phí rất lớn, tạo điều kiện cho bạn lựa chọn dựa trên khả năng tài chính của gia đình.

Nếu gia đình đủ kinh tế thì hẵng yên tâm đi học, không nên ngồi ở Việt Nam và nghĩ mình sẽ đi làm thêm kiếm tiền trang trải. Việc đi làm thêm trong khi vẫn đảm bảo việc học đòi hỏi một trí tuệ sắc bén, khả năng ngoại ngữ cực tốt và ý chí sắt đá. Nếu hiện tại mẹ bạn vẫn phải rửa chén cho bạn thì không nên mặc định về khả năng trang trải của bạn khi ra nước ngoài.

Việc làm thêm ở Anh cho những du học sinh thường là gì? Lương cụ thể của từng công việc như thế nào? Nhà trường có hạn chế thời gian làm thêm không, vì ở một số nước đều hạn chế giờ làm thêm của sinh viên, đặc biệt là du học sinh?

Vlogger Giang Ơi: Chính phủ mỗi nước khi cấp visa sẽ cho bạn một số giờ tối đa mỗi tuần bạn có thể đi làm. Việc làm thêm ở Anh theo như mình quan sát thì phổ biến nhất có nghề lễ tân, phục vụ nhà hàng quán cafe, thợ làm nails. Không có mức lương cố định cho từng nghề, mà sẽ dao động tùy từng chỗ làm, cũng như phụ thuộc vào ngoại ngữ và khả năng thực tế của bạn.

Ngoài những mẹo tiết kiệm chi phí có thể tìm hiểu trên Internet, sách báo, chị có những “mẹo độc quyền” nào áp dụng đối với cuộc sống du học ở Anh không? Các đọc giả của báo Hoa sẽ rất thích thú với những chia sẻ mới lạ đấy chị!

Vlogger Giang Ơi: Charity shops. Các cửa hàng bán đồ quyên góp từ thiện sẽ cung cấp nguồn đồ dùng trong nhà rất rẻ cho bạn. Áo khoác dày, mũ nón, cốc tách, thảm, sách, có rất nhiều thứ bạn có thể tìm thấy được ở charity shops với giá rẻ mà chất lượng vẫn tốt.

Một hình thức giải trí phổ biến của du học sinh cũng như sinh viên bản xứ ở Anh là đi club. Đừng đi. Nhiều khi bạn sẽ cảm thấy tất cả bạn bè của bạn đều đi và nếu bạn không đi thì sẽ không thể hòa nhập với họ. Thỉnh thoảng bạn có thể đi để giải trí nhưng đừng nghĩ bạn cần phải đi để theo kịp bạn bè. Bạn không bỏ lỡ nhiều đâu, mình hứa với bạn.

Hãy đi học sớm, hãy ngồi bàn đầu, hãy đặt câu hỏi, hãy dùng thư viện. Sẽ có rất nhiều bạn bè trong lớp của bạn đến lớp chỉ để ngồi chơi lấy điểm danh, nhưng bạn đừng như vậy. Gia đình mình đã trả cái giá rất lớn để mình được ngồi đây học tập, hãy tận dụng cơ hội của mình khi còn có thể.

Xin cám ơn chị!

Đây chỉ là một phần trong phần chia sẻ đầy bổ ích của vlogger Giang Ơi về du học nói chung và du học Anh nói riêng. Chi tiết sẽ được cập nhật đầy đủ trong cuốn sách về du học Anh sắp được ra mắt vào tháng 11 này của Hoa Học Trò, hãy cùng theo dõi Tủ sách Gõ của tương lai của Hoa Học Trò để rinh sách về thật sớm nhé!

HY DI - THANH THỊNH

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-doi-song/vlogger-giang-oi-ba-me-minh-70-tuoi-con-co-cau-cua-mieng-cai-gi-khong-biet-thi-tra-google-1582536.tpo