VLXD Biên Hòa (VLB): Lãi quý II hơn 30 tỷ đồng, tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu đá tăng cao

Sang quý II/2023, mặc dù doanh thu của CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) giảm so với cùng kỳ và quý đầu năm, nhóm phân tích từ VCSC vẫn đánh giá cao triển vọng tích cực của công ty trước cơ hội về nhu cầu đá xây dựng trong thời gian tới.

Mới đây, VLB vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần giảm 28,27%, đạt 244,4 tỷ đồng. Dù vậy giá vốn cũng giảm về 192,6 tỷ đồng, tức giảm 26,39% so với cùng kỳ (svck). Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp giảm 34,52% svck.

Dù vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6,83% và chi phí bán hàng giảm 16,73% cùng kỳ năm ngoái giúp lãi ròng quý II công ty đạt 30,32 tỷ đồng, tăng 5,4% svck.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần VLB đạt 493,02 tỷ đồng và lãi ròng 66,28 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,65% và 8,26% cùng kỳ 2022. Lãi trước thuế hơn 77 tỷ đồng.

Như vậy, VLB đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận 2023 sau nửa năm.

Triển vọng sáng nhờ nhu cầu đá xây dựng tăng

Trong báo cáo phân tích ngày 27/7 từ CTCK Vietcap (VCSC), nhóm phân tích nhận định VLB được hưởng lợi từ việc gia tăng đầu tư công và sự phục hồi của mảng bất động sản (BĐS) nhà ở.

Theo đó, tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 65,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 30,49%, tăng cao so cùng kỳ 2022 chỉ đạt 25,68%, nhưng vẫn cách khá xa mục tiêu giải ngân đạt 95% theo kế hoạch năm 2023. Do vậy, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm khẩn trương đẩy mạnh vốn đầu tư ra thị trường.

Khu vực phía Nam được chú trọng phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. VLB có khả năng cung cấp đá cho các dự án về hạ tầng giao thông khu vực miền Đông và Tây Nam bộ. Đối với các dự án xa khu vực, chi phí vận chuyển cao sẽ làm cho giá đá tăng nên thị trường chủ yếu của công ty là Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và khu vực miền Tây.

Do giải ngân ngân sách thường cao hơn trong nửa cuối năm, VCSC kỳ vọng lượng đầu tư công sẽ tăng trong nửa cuối năm nay nhờ các dự án cơ sở hạ tầng lớn như Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA), đường Vành đai 3 TP HCM và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Tân Phú – Liên Khương.

Nhóm phân tích đánh giá, các mỏ đá nằm gần các công trường xây dựng này sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đá xây dựng lớn trong giai đoạn đầu của dự án. Trong khi đó, triển vọng đối với mảng BĐS nhà ở của Việt Nam đang được cải thiện nhờ chính sách giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và các quy định pháp lý hỗ trợ, có thể thúc đẩy nhu cầu đá xây dựng trong trung hạn.

VLB hiện có 5 mỏ đá. Mỏ đá Tân Cang chuyên cung cấp đá cho dự án Sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3. Mỏ đá Thạnh Phú 1, Thiện Tân 2 có lợi thế về đường thủy, chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Mỏ đá Soklu 2 và Soklu 5 cung cấp đá cho cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Sắp tới, khi dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Liên Khương triển khai thi công, sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm đá ở Mỏ đá Soklu 2 và Soklu 5.

Trong ngắn hạn và trung hạn, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận của VLB sẽ phục hồi sau khoản lỗ ròng vào năm 2022 do phí cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ giảm đáng kể sau khi công ty đã thanh toán 80% tổng phí cấp quyền khoáng sản cho toàn bộ thời hạn khai thác đối với cả 5 mỏ đá của VLB vào cuối năm 2022.

VLB là doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai, hiện chiếm 35% tổng trữ lượng còn lại và 28% công suất hàng năm của tỉnh. Ngoài các mỏ đá Soklu 2 và Soklu 5 sẽ ngừng hoạt động vào năm 2026 và 2025, 3 mỏ đá khác của VLB có thể sẽ tiếp tục được khai thác thêm 16 - 20 năm nữa. Các mỏ đá của VLB sản xuất đá chất lượng cao và nằm ở vị trí đắc địa, gần các công trình hạ tầng trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 TP HCM và các dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vlxd-bien-hoa-vlb-lai-quy-ii-hon-30-ty-dong-tiep-tuc-huong-loi-tu-nhu-cau-da-tang-cao.html