VN-Index ảm đạm sau kỳ nghỉ, điều gì đang gây bất lợi cho thị trường?

VN-Index xuất hiện phiên điều chỉnh ngay phiên đầu tiên tháng 9 (sau kỳ nghỉ lễ), giao dịch kém sôi động khiến tâm lý giới đầu tư không khỏi lo ngại.

 VN-Index ảm đạm sau kỳ nghỉ, điều gì đang gây bất lợi cho thị trường?. Ảnh minh họa

VN-Index ảm đạm sau kỳ nghỉ, điều gì đang gây bất lợi cho thị trường?. Ảnh minh họa

VN-Index xuất hiện rủi ro điều chỉnh ngắn hạn

Mở đầu phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh, cũng là phiên đầu tiên tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) xuất hiện tín hiệu điều chỉnh, đánh mất mốc 1.280 điểm, xuống 1.275,8 điểm (giảm tương đương 0,63%). Thanh khoản tiếp tục duy trì quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng.

Nhận thấy thị trường giao dịch ảm đạm từ trước kỳ nghỉ lễ, chị Thanh Bình (45 tuổi, Q. Ba Đình, Hà Nội) quyết định "đứng ngoài" quan sát: "Thị trường đang gặp vùng kháng cự tại 1.300 điểm mà chưa thấy có thêm thông tin đủ mạnh để VN-Index khởi sắc qua vùng này nên hiện tại tôi vẫn quan sát xem thị trường ra sao. Sau đà tăng vọt, thị trường thường sẽ vào giai đoạn tích lũy trước khi đủ sức bật lên vùng điểm mới".

Cùng lúc đó, anh Quốc Anh (33 tuổi, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) lại có tâm trạng không mấy vui mừng: "Lực tăng mạnh trước đó khiến tôi khá kỳ vọng vào thị trường nên có gom thêm một số cổ phiếu nhưng đến phiên hôm nay diễn biến không mấy tích cực".

Ngược lại, nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" tranh thủ bán bớt cổ phiếu sau khi đã đạt đủ mức lợi nhuận mong muốn sau đà tăng vừa qua khiến phe bán chiếm ưu thế, "sắc đỏ" lan rộng thị trường.

Thực tế, diễn biến tiêu cực này xuất hiện ngay từ đầu phiên hôm qua (4/9) khi chỉ số bất ngờ "bốc hơi" ngay gần 15 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch, xuống ngưỡng 1.270 điểm vào phiên hôm qua (4/9), sau đó phục hồi về 1.275 vào cuối phiên. Kết quả này nhờ vào đà hồi phục mạnh đến từ VHM (Vinhomes, HOSE), VRE (Vincom Retails, HOSE), BID (BIDV, HOSE), GAS (PV GAS, HOSE),…

Một số cổ phiếu nhóm đầu tư công như HHV (Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả, HOSE), HBC (Xây dựng Hòa Bình, HOSE), PLC (Hóa Dầu Petrolimex, HOSE) ,… vẫn tăng mạnh từ 1.9% đến 6%, với thanh khoản vượt trội.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, với các mã DXG (Đất Xanh, HOSE), KDH (Kinh doanh Nhà Khang Điền, HOSE), PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE) tăng từ 1% đến 3%, thu hút sự quan tâm của khối ngoại.

VHM diễn biến tích cực, đi ngược với xu hướng chung thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

VHM diễn biến tích cực, đi ngược với xu hướng chung thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

Nổi bật nhất là VHM (Vinhomes, HOSE) tăng mạnh 2,41% vào phiên hôm qua (4/9), đà tăng tiếp tục được duy trì tới phiên sáng nay. Trạng thái này được cho là đến từ quyết định chi cả chục nghìn tỷ đồng để mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thông tin này đã hỗ trợ VHM tăng mạnh trở lại vào tháng 8 vừa qua.

Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một đợt tăng mạnh sau phiên "bùng nổ" vào giữa tháng 8, tăng hơn 100 điểm trước kỳ nghỉ lễ. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực bán ra, tâm lý e ngại trước vùng đỉnh 1.300 điểm lớn là điều khó tránh khỏi.

Sự thận trọng của nhà đầu tư cùng sóng gió chưa dứt điểm ở nhiều nơi là yếu tố đang ngăn cản thị trường tăng thêm. Thị trường còn thiếu động lực rõ rệt để ổn định tâm lý giới đầu tư và cho một đợt tăng mới.

Chứng khoán SSI nhận định, VN-Index xuất hiện rủi ro có nhịp điều chỉnh ngắn hạn và dự kiến chỉ số sẽ dao động trong phạm vi 1.264 - 1.276. Nhà đầu tư nên duy trì danh mục ngắn hạn ở ngưỡng cân bằng với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn. Đồng thời, chủ động đóng vị thế ở các mã đánh mất ngưỡng hỗ trợ.

Thị trường đang gặp lực cản từ đâu?

Theo ông Nguyễn Mạnh Long, chuyên viên tư vấn đầu tư, Hội sở Chứng khoán Mirae Asset, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên không thuận lợi, nguyên nhân chính đến từ tác động của thị trường thế giới khi chứng khoán Mỹ đang trải qua đà giảm mạnh do lo ngại về sự suy giảm của sản lượng sản xuất Mỹ.

Sự sụt giảm của thị trường Mỹ nhanh chóng tác động tới thị trường toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á. Các chỉ số lớn như Nikkei 225 (Nhật Bản), Hang Seng (Hồng Kông) và Kospi (Hàn Quốc) đều đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi giảm trong bối cảnh sóng gió nổi lên trên thị trường tài chính thế giới.

Song, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất đạt 52,4 điểm trong tháng 8, cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện. Số lượng việc làm giảm nhưng hoạt động mua hàng tăng mạnh nhất trong hơn hai năm qua. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 37.01% tổng kế hoạch năm. Điều này mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường.

Ngoài ra, thị trường đang kỳ vọng vào động thái từ Fed giảm lãi suất, điều này sẽ đỡ áp lực hơn cho Ngân hàng Nhà nước khi sử dụng các chính sách tiền tệ, giảm áp lực về tỷ giá, từ dó, dòng vốn khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng sớm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới lỏng việc duy trì lãi suất thấp giúp kích thích nền kinh tế và tiêu dùng trong nước.

Ông Long nhấn mạnh thêm, tháng 9 thường được coi là tháng khó khăn với chứng khoán theo số liệu thống kê từ trước tới nay, và nhà đầu tư đang rất lo lắng trước những trở ngại này.

Việc lựa chọn đúng mã cổ phiếu sẽ mang tính quyết định đến sự thành công. Do vậy, ông đánh giá, thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong thời gian tới nhưng dòng tiền đang có xu hướng tập trung vào mã có câu chuyện và được khối ngoại quan tâm. Các nhóm ngành tiêu biểu là Bất động sản, Đầu tư công, Chứng khoán và Ngân hàng.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vn-index-am-dam-sau-ky-nghi-dieu-gi-dang-gay-bat-loi-cho-thi-truong-20240905095154108.htm