VN-Index bị giảm mạnh cuối phiên, sàn HoSE 'bốc hơi' 4 tỷ USD

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 24,8 điểm, lực bán dâng cao, chỉ số bị giảm mạnh trong phiên ATC. Vốn hóa sàn HoSE giảm 93.131 tỷ đồng so với phiên trước đó, tương đương hơn 4 tỷ USD. So với cuối tháng 6, giá trị giảm lên gần 522.000 tỷ đồng.

Niềm vui “ngắn” của nhà đầu tư trong 2 phiên chỉ số tăng điểm ngay lập tức bị dập tắt, thị trường chưa xác lập dấu hiệu hồi phục, dòng tiền thận trọng, thanh khoản thấp.

Phiên giao dịch hôm nay (23/7) mở cửa chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên biên độ giảm không lớn. Sau đó, chỉ số giằng co trong suốt phiên, và bắt đầu lao dốc trong phiên ATC, đóng cửa mất gần 25 điểm. VNM, STB, FPT, QGC là những mã hoạt động tích cực nhất, tuy nhiên không thể chống đỡ đà giảm của thị trường.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn liên tục gây áp lực lên thị trường (Thống kê: FireAnt)

Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là VCB, VHM, HPG, TCB, VIC, MSN, CTG, VPB, NVL, GAS giảm mạnh, khiến chỉ số mất hơn 12 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng liên tục gây áp lực lên thị trường, 24/27 mã giảm giá. VPB, EIB, VIB, VCB, ACB, TCB, CTG giảm hơn 3%. Đáng chú ý, VAB kết thúc chuỗi tăng liên tiếp 3 phiên chào sàn, bằng cú rơi 14,8%, giảm còn 20.100 đồng/ cổ phiếu.

Tương tự, nhóm chứng khoán, thép cũng mất vai trò dẫn dắt, khi cổ phiếu đồng loạt giảm. Ngoại trừ VIX tăng trần, toàn bộ cổ phiếu họ chứng khoán chìm trong sắc đỏ. SSI, HCM, FTS giảm trên dưới 3%. Nhóm ngành thép cũng chứng kiến HSG giảm 3,7%, TLH giảm 3,4%, HPG giảm 3%.

Sau phiên vụt sáng hôm qua (22/7), nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản quay lại xu hướng giảm. DXG giảm 5,7%, VRE giảm 4,3%, VHM giảm 3,1%, KBC, VIC, KDH, NVL, PDR, LHG, NLG cùng đồng loạt giảm giá.

Dù chốt phiên 22/7, giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng, nhưng cổ phiếu họ xăng dầu lại đồng loạt quay đầu giảm, trừ PXT và POW. PVD, PET giảm trên dưới 3%, GAS giảm 1,6% xuống còn 88.000 đồng/ cổ phiếu, lọt nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.

Kết phiên, trên HoSE 285 mã giảm giá áp đảo, 93 mã tăng. Thanh khoản thị trường có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn ở mức thấp, giá trị khớp lệnh HoSE đạt 18.348 tỷ đồng. Chỉ số hai sàn HNX, UPCoM cũng giảm khoản 1,4%, sắc đỏ áp đảo.

Như vậy, tuần qua VN-Index có 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, chỉ số mất hơn 9 điểm (-0,71%). Trong khi đó, HNX-Index lại tăng hơn 1,3% lên 300.80 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ.

Thanh khoản toàn thị trường duy trì mức thấp, ngay cả trong những phiên có biến động mạnh. Tâm lý nhà đầu tư thận trong, bên bán không muốn bán giá thấp, còn bên mua vẫn chờ cơ hội rõ ràng hơn của thị trường để giải ngân. Đáng chú ý, khối ngoại quay lại bán ròng 4/5 phiên sau 2 tuần tích cực “bắt đáy”. Kỷ lục, phiên 21/7, khối ngoại bán ròng 1.450 tỷ đồng, giá trị lớn nhất 2 tháng qua.

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu chạm mức kỷ lục

Theo thống kê mới nhất của Fiinpro (nền tảng phân tích dữ liệu chứng khoán), tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng (TTCK) Việt Nam chạm mức cao nhất trong lịch sử, khoảng 6,7% tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh trên HoSE và HNX tại thời điểm cuối tháng 6/2021. Con số này tăng 1 điểm phần trăm so với cuối quý 1/2021, chủ yếu đến từ sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân.

Đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực và điểm đáng lưu ý là dư nợ cho vay margin tại 51 công ty chứng khoán (chiếm >95% thị phần cho vay margin toàn thị trường) đã tăng 26% so với quý trước, đạt 126,4 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2021. Trong khi đó, quy mô vốn hóa điều chỉnh tăng thấp hơn (<10%).

Tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao cho thấy có yếu tố rủi ro hiện hữu nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh. Với thanh khoản hiện tại, thị trường chỉ cần 5,5 phiên giao dịch để có thể hấp thụ toàn bộ lượng margin này.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vn-index-bi-giam-manh-cuoi-phien-san-hose-boc-hoi-4-ty-usd-post1358479.tpo