VN-Index chạm mốc 1.209 điểm
Tuần khởi đầu sau Tết Nguyên đán 2024 diễn ra tích cực, VN-Index duy trì xu hướng tăng và vận động trên vùng cản tâm lý 1.200 điểm. Chốt phiên VN-Index tăng 7,2 điểm (+0,60%) và đóng cửa ở 1.209,70 điểm.
Thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, giao dịch sôi động khi VN-Index vượt lên vùng giá tâm lý 1.200 điểm, kết phiên VN-Index tăng 7,20 điểm (+0,60%) lên mức 1.209,70 điểm, vượt lên giá cao nhất phiên giao dịch trước và hướng đến vùng giá quanh 1.211 điểm tương ứng giá cao nhất năm 2018.
Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 1.200 điểm chưa được kiểm chứng do đó điểm mua mới nên ưu tiên các nhịp điều chỉnh để có điểm giải ngân tối ưu nhất.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%) lên mức 233,04 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết duy trì tích cực, nhưng mức độ phân hóa mạnh hơn khi có 390 mã tăng giá (11 mã tăng trần), 269 mã giảm giá (6 mã giảm sàn) và 139 mã giữ giá tham chiếu. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.488,33 tỷ đồng, giảm -5,48% so với phiên trước, vượt mức trung binh, dòng tiền ngắn hạn luân chuyển liên tục ở các mã.
Thông tin được quan tâm là Chỉ thị số 06 ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Động lực của nhịp tăng bắt nguồn từ nhóm ngân hàng và nhóm vốn hóa lớn vẫn được duy trì, và nhờ sự luân phiên vai trò dẫn dắt một cách nhịp nhàng trong nhóm đã tạo nền tảng tốt cho chỉ số mỗi lần xuất hiện các nhịp điều chỉnh. Sau nhóm ngân hàng, các mã chưa tăng nhiều trong VN30 đã giao dịch rất tích cực trong phiên hôm nay. Nổi bật như GVR (+6,81%), VNM (+3,55%), VIC (+3,29%), BVH (+2,91%)..., trong khi ngân hàng tiếp tục phân hóa hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh như HDB (-1,48%), STB (-1,44%), LPB (-1,37%), BID (-0,82%)...
Cổ phiếu đầu ngành như VIC, VHM có tác động tích cực đến các cổ phiếu bất động sản khi hầu hết tăng điểm mạnh như NRC (+8,70%), FIR (+7,00%), CRE (+5,11%), SCR (+3,62%)...
Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp, cao su sau áp lực điều chỉnh phiên trước đã phục hồi tốt trở lại, nhiều mã tiếp tục vượt vùng giá đỉnh gần nhất, thanh khoản gia tăng tốt với GVR (+6,81%), DPR (+2,95%), SIP (+2,56%), PHR (+2,41%)... Các cổ phiếu thép, xây dựng, vật liệu xây dựng đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước như NKG (-0,61%), HPG (-0,21%)... PC1 (-2,02%), CTD (-1,04%), KSB (-1,00%)...
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp sau kỳ nghỉ Tết, trong đó VNM và STB là 2 mã bị bán mạnh nhất với giá trị lần lượt là 122,9 tỷ đồng và 119 tỷ đồng. Chiều mua ròng khối này khá thận trọng giải ngân, DIG là cổ phiếu được mua nhiều nhất với giá trị chỉ hơn 55 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, trong kịch bản tích cực, dòng tiền có thể tiếp tục lan rộng sang các nhóm cổ phiếu chưa tăng và chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để tìm kiếm cơ hội. Do đó, các giao dịch mua mới cần nâng cao quản trị vị thế hơn nữa khi độ cao cũng như mức độ rủi ro của thị trường ngày một lớn hơn. Những yếu tố nền tảng về cơ bản của doanh nghiệp kết hợp với điểm mua có nền giá chặt chẽ và sự kiểm soát nghiêm tỷ lệ đòn bảy margin cùng ngưỡng cắt lỗ là những hành động sẽ được ưu tiên khi tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-cham-moc-1209-diem-d209040.html