VN-Index chật vật giữ sắc xanh, VIC tăng trần đỡ thị trường

Thị trường vẫn giằng co quanh mốc 1.280 điểm trên nền thanh khoản giảm. Ba cổ phiếu nhóm Vingroup đóng vai trò lớn nhất trong việc giữ chỉ số không bị giảm sâu, trong đó VIC tăng trần.

VIC nhận được lực cầu lớn trong phiên 27/8, khớp lệnh 12,7 triệu đơn vị.

VIC nhận được lực cầu lớn trong phiên 27/8, khớp lệnh 12,7 triệu đơn vị.

VN-Index giao dịch phiên 27/8 chủ yếu dưới mốc tham chiếu và kết phiên ở mốc 1.280,56 điểm, chỉ tăng nhẹ 0,54 điểm. HNX-Index và UPCoM đều giảm nhẹ. Thanh khoản giảm so với những phiên trước, đạt hơn 16.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.

Khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng, với giá trị bán ròng đạt hơn 250 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 3.000 tỷ đồng giao dịch). TLG bị bán ròng mạnh nhất 174 tỷ đồng. HPG vẫn tiếp tục bị bán ròng mạnh, với giá trị 83 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VPB 61 tỷ đồng, FRT 43 tỷ đồng; KDH, PVD, HDG, PDR hơn 30 tỷ đồng; BID, STB, MSN, OCB, HDB, VND trên 20 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 122 tỷ đồng, kế đến là MWG 81 tỷ đồng; VIC, CTG trên 60 tỷ đồng; DXG 35 tỷ đồng; VNM, TCH trên 20 tỷ đồng...

VN-Index hôm nay giữ được sắc xanh nhờ sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cụ thể là bộ ba cổ phiếu Vingroup, với VIC tăng trần, VHM tăng 2,2% và VRE tăng hơn 1%.

Với mức tăng trần 7%, VIC trở lại vùng giá 45.100 đồng/cp, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024. VHM cũng phục hồi tốt sau khi lùi về vùng đáy 34.000 đồng/cp hồi đầu tháng 8 vừa qua. Mã kết phiên ở mức giá 41.400 đồng/cp. Tương tự, VRE cũng đã trở về vùng giá 20.050 đồng/cp, sau khi lùi về vùng đáy 16.000 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu Vingroup diễn biến tốt trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều thông tin tích cực. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, liên quan đến dự án Khu đô thị Du lịch nghỉ dưỡng Mekong. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD, trải rộng trên diện tích 2.945 ha, với mục tiêu kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa.

Ngày 20/8 vừa qua, CTCP Vinpearl (thành viên Tập đoàn Vingroup) đã hoàn tất việc huy động 150 triệu USD trái phiếu trên thị trường Singapore, đánh dấu một trong những thương vụ huy động trái phiếu quốc tế hiếm hoi của doanh nghiệp Việt gần đây.

Vinhomes cũng đang lấy ý kiến cổ đông về thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, công ty dự kiến mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

Sự tích cực của VIC, VHM và VRE giúp nhóm bất động sản trở thành nhóm hiếm hoi ở chiều tăng phiên hôm nay. Ngoài ra trong nhóm này còn có NVL, KBC, NLG, IDC, VPI, DXG, KOS, TCH, NTC, HDC, AGG, DXS... cũng ở chiều tăng; tuy nhiên mức tăng chủ yếu dưới 1%. Ngược lại, BCM, KDH, PDR, DIG, SSH, HDG, IJC, TIG, BCR, KHG, CKG, SCR... nhưng mức giảm cũng không lớn.

Các nhóm ngành trụ cột khác đều ở chiều giảm nhưng các cổ phiếu có tỷ lệ điều chỉnh không lớn. Tại nhóm ngân hàng, chiều tăng chỉ có TCB, CTG, KLB, NVB, PGB, SGB, ABB, BAB; trong đó KLB tăng tốt nhất với tỷ lệ 2,5%; ABB, NVB tăng hơn 1% còn các mã khác tăng nhẹ. Chiều giảm sâu nhất là SSB -2,3%, BVB -2,5%; BID, OCB, VAB giảm hơn 1%; các mã khác giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có số ít mã ở chiều tăng, gồm APS, CTS, DSC, HAC, HBS, PSI, TVB, TVC, TVS; trong đó HAC tăng mạnh nhất gần 8%, HBS tăng 6,8%. Các mã đầu ngành đều ở chiều giảm, với SSI -1,6%, SHS -1,8%, VIX -2,1%, VND -1,6%, HCM -1,7%, VCI -0,9%...

Tại các nhóm ngành khác, các cổ phiếu đa phần không có nhiều biến động khi bên mua và bên bán giằng co.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-chat-vat-giu-sac-xanh-vic-tang-tran-do-thi-truong-32826.html