VN-Index có cơ hội hướng đến mốc 1.280 điểm
Chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp là diễn biến cho thấy đà tăng đang chiếm ưu thế vượt trội, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 1 – 2 phiên sắp tới và chỉ số có cơ hội hướng đến mốc 1.280 trong tuần sau...
Chứng khoán tuần 13/5-17/5, thị trường tiếp tục có tuần giao dịch tích cực khi tăng điểm 4 tuần liên tiếp lên lại vùng giá trước khi giảm mạnh. Trong tuần sau khi điều chỉnh nhẹ với thanh khoản suy giảm, VN-Index đã có 3 phiên cuối tuần tăng điểm tốt vượt lên xu hướng giảm giá ngắn hạn, kháng cự đỉnh năm 2023 với thanh khoản gia tăng tốt trên mức trung bình.
Kết thúc tuần VN-Index tăng 2,28% so với tuần trước lên mức 1.273,11 điểm, kiểm tra lại vùng giá cao nhất phiên giảm mạnh ngày 15/4/2024 quanh 1.280 điểm. HNX-Index có 12 phiên liên tiếp tăng điểm, kết tuần HNX-Index tăng 2,49% lên mức 241,54 điểm, cũng hướng đến vùng giá cao nhất phiên giảm mạnh 15/4/2024.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 100.547 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với tuần trước, cải thiện trở lại mức trung bình. Thị trường tiếp tục luân phiên phục hồi, cải thiện mạnh ở nhóm mã vốn hóa trung bình, nhỏ khi VN30 đã vượt lên vùng giá trước giảm mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh với giá trị 2.149,05 tỷ đồng trên HOSE, tập trung đột biến tại VHM, mua ròng trên HNX với giá trị 35,84 tỷ đồng.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục có diễn biến tăng giá vượt trội với nhiều mã tăng mạnh, vượt đỉnh, nổi bật như VGI (+27,87%), VTK (+15,61%), ELC (+5,72%), FOX (+4,87%),, thanh khoản gia tăng mạnh đột biến.
Các cổ cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tăng giá mạnh đột biến, nhiều mã vượt vùng giá đỉnh lịch sử, thanh khoản gia tăng mạnh với MBS (+11,19%), FTS (+8,12%), VDS (+7,93%), DSC (+7,85%)... ngoài TVS (-0,42%).
Rất nhiều nhóm cổ phiếu cũng có diễn biến tăng giá tốt, giá vượt lên vùng đỉnh trước thời điểm VN-Index giảm mạnh, vượt đỉnh cũ như các mã nhóm thép, nổi bật với VGS (+12,96%), HSG (+5,81%), HPG (+3,78%)... xây dựng, vật liệu xây dựng như DPG (+11,80%), TV2 (+6,93%), VCS (+5,19%)... nông nghiệp, chăn nuôi với HAG (+10,61%), DBC (+8,79%), VLC (+8,12%)... bán lẻ tiêu dùng như MCH (+18,71%), MSN (+6,64%), DGW (+5,96%)..., phân bón với DCM (+7,96%), LAS (+4,33%), DPM (+3,54%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục có diễn biến tích cực sau tuần tăng giá tốt, nhiều mã vẫn tăng mạnh, vượt đỉnh, thanh khoản gia tăng tốt, nổi bật như VIP (+5,53%), PVC (+5,26%), PVB (+3,74%), PVS (+3,64%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng điểm với PLX (-1,66%), PVP (-0,58%), POS (-0,56%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản rất nhiều mã cũng tăng giá đột biến trong tuần qua, thanh khoản gia tăng mạnh vượt mức trung bình như TIG (+15,38%), NHA (+13,06%), HDG (+9,12%), NLG (+6,41%)... khiến thị trường giao dịch rất sôi động khi VN-Index vượt kháng cự tâm lý 1.250 điểm. Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng, nổi bật nhất LPB (+15,42%) vượt đỉnh thì đa số biến động hẹp, thanh khoản ở mức trung bình.
Nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi Chứng khoán SHS
VN-Index đã vượt lên kháng cự mạnh 1.250 điểm với đặc điểm thị trường ngắn hạn là đang luân phiên phục hồi với các nhóm mã vốn hóa trung bình, nhỏ với kỳ vọng phục hồi lên lại vùng giá đỉnh tháng 3/2024 tương tự chỉ số VN30 khi VN-Index đã vượt lên vùng 1.250 điểm. Vì vậy vẫn mở ra nhiều vị thế ngắn hạn tốt đối với các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương, hoặc thấp hơn VN-Index 1.250 điểm, phù hợp các vị thế ngắn hạn.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân tiếp tục nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục do mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn.
Cẩn trọng trước áp lực chốt lời tại ngưỡng kháng cự 1.280 điểm Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên tới, thị trường có thể tiếp tục tiến đến ngưỡng kháng cự 1.280 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước áp lực chốt lời tại ngưỡng này.
Trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tăng điểm nhẹ với vận động rung lắc giằng co là chủ đạo. Dòng tiền vẫn thể hiện tâm lý hưng phấn và sự chủ động khi liên tục xoay chuyển qua các nhóm ngành, thay nhau giữ nhịp chính cho chỉ số, bất chấp những áp lực đến từ sự suy yếu của các cổ phiếu trụ.
Mặc dù áp lực điều chỉnh ngày càng gia tăng trong quá trình đi lên, cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x đang chiếm ưu thế cho VN-Index khi các yếu tố kỹ thuật vẫn đang hỗ trợ cho xu hướng của chỉ số.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ, gần là 1.24x và trong kịch bản điều chỉnh sâu hơn là quanh 1.220 (+-5).
VN-Index có cơ hội hướng đến mốc 1.280 điểm Chứng khoán Mirae Asset
Phiên đầu tuần (13/5) tiếp tục diễn biến điều chỉnh trong 2 phiên trước đó, VN-Index có lúc đã chạm mức 1.232 nhưng đã nhanh chóng cân bằng và hồi phục, đây cũng là dấu hiệu cho việc kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index. Chỉ số sau đó đã có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp để chốt tuần tại mốc 1.273,11, tăng 28,41 điểm (+2,28%).
Dòng tiền có dấu hiệu luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều, trong đó đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu Ngân hàng với 4 đại diện trong top 10 là LPB, VPB, TCB và MBB, trong đó LPB và VPB đã dẫn đầu về tác động tích cực khi giúp VN-Index lần lượt tăng 1,95 điểm và 1,76 điểm. Chiều ngược lại VCB lại là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến mức giảm của chỉ số khi làm VN-Index giảm 0,27 điểm.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 2.143 tỷ đồng trong tuần, VHM tiếp tục là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 756 tỷ đồng, tiếp đến là CTG với giá trị bán ròng 410 tỷ đồng, vị trí thứ 3 tiếp tục là 1 mã ngân hàng là VPB với giá trị bán ròng 273 tỷ đồng. Chiều mua ròng MWG tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị gần 770 tỷ đồng, tiếp theo là NLG với giá trị bán ròng 152 tỷ đồng.
Chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp là diễn biến cho thấy đà tăng đang chiếm ưu thế vượt trội, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 1 – 2 phiên sắp tới và chỉ số có cơ hội hướng đến mốc 1.280 trong tuần sau.
Tuy nhiên lưu ý nhà đầu tư về vùng 1.275 – 1.280 là vùng kháng cự mạnh và nhà đầu tư cần lưu ý trong những phiên sắp tới. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức +7 điểm (khả quan). Hệ số P/E của VN-Index ở mức 16.0x.
Ưu tiên nắm giữ hoặc mua ngắn hạn tại những cổ phiếu có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm bất chấp áp lực chốt lời trong phiên. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung có động thái gia tăng chốt lời, tuy nhiên dòng tiền vẫn đang nâng đỡ và hấp thu nguồn cung.
Với tín hiệu vượt qua áp lực chốt lời, thị trường có cơ hội vượt ngưỡng cản 1.277 điểm và nới rộng nhịp hồi phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn cung, cũng như thanh khoản, sẽ có chiều hướng gia tăng và gây tranh chấp khi thị trường ghi nhận những mức cao mới, đặc biệt là trong vùng thử thách 1.280 – 1.300 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng dần nới rộng nhịp hồi phục của thị trường, tuy nhiên vẫn cần lưu ý nguồn cung sẽ có chiều hướng gia tăng và gây tranh chấp trong thời gian tới. Hiện tại có thể ưu tiên nắm giữ hoặc mua ngắn hạn tại những cổ phiếu có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.