VN-Index có thể biến động giằng co và rung lắc trong khoảng 1.450-1.500 điểm
Trong phiên giao dịch hôm nay 3/3, VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.450-1.500 điểm để ổn định cung cầu.
VN-Index có thể biến động giằng co và rung lắc trong khoảng 1.450-1.500 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ lại giảm mạnh trong phiên đêm 1/3 khi cả ba chỉ số chính đều giảm trên 1,5%. Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh khi dầu WTI đã lên 108,56 USD/thùng, còn dầu Brent lên 110,37 USD/thùng càng làm thổi bùng lên nỗi lo về lạm phát. Tất cả những điều trên đã có tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, chỉ số VN-Index giảm 13,26 điểm (-0,88%) xuống 1.485,52 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với chỉ 137 mã tăng (13 mã tăng trần), 52 mã tham chiếu, 319 mã giảm (3 mã giảm sàn).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh và đồng loạt giảm sâu là nguyên chính khiến thị trường điều chỉnh, có thể kể đến: MBB (-4,4%), STB (-4,3%), HDB (-4,2%), CTG (-3,9%), BID (-3,7%), VPB (-3,3%), TPB (-3,2%), ACB (-2,8%), TCB (-2,2%)... Bên cạnh đó, một vài cổ phiếu lớn khác cũng điều chỉnh như: VRE (-2,1%), PNJ (-1,5%), BVH (-1,3%), MWG (-1,1%)... càng làm cho giao dịch trở nên tiêu cực. Các cổ phiếu chứng khoán cũng hòa chung vào đà giảm với: VND (-3,3%), SSI (-2,6%), SHS (-2,7%), VCI (-1,1%), HCM (-2,1%)...
Ở chiều ngược lại, việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh tiếp tục là động lực giúp cho các cổ phiếu ngành dầu khí bật tăng trở lại sau phiên giảm nhẹ trước đó: PVS (+6,6%), BSR (+2,9%), PVD (+4%), OIL (+3%), PVC (+9,7%), PSH (+1,6%), PVB (+4,5%)... Bên cạnh đó, nhóm thép cũng mang lại niềm vui cho các nhà đầu tư nắm giữ với: NKG (+3,6%), HSG (+1,7%), TLH (+1,5%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tình hình giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm nhất thời điểm hiện tại đối với giới đầu tư. Những động thái theo hướng giảm căng thẳng cũng như leo thang căng thẳng có thể sẽ "lái" thị trường theo hướng mà không ai có thể đoán trước được. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ thì có thể thấy là thị trường Việt Nam phản ứng khá tốt trước những thông tin tiêu cực ra gần đây khi chỉ điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng bật lên phiên sau đó. Điểm đáng lo ngại lúc này là việc nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu bị bán tương đối mạnh thể hiện qua việc thanh khoản nhóm này gia tăng mạnh trong phiên 2/3. Còn các nhóm ngành khác nhìn chung vẫn tương đối ổn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 3/3, VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.450-1.500 điểm để ổn định cung cầu. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường”, chuyên gia của SHS cho hay.
Nhóm trụ có thể phục hồi để hỗ trợ chỉ số hướng tới vùng 1.520 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), chỉ số VN-Index đã để mất ngưỡng hỗ trợ MA50, do đó, vùng hỗ trợ cho chỉ số này có thể ở 1.465 điểm – 1.470 điểm.
“Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ với các cổ phiếu liên quan đến nhóm hàng hóa cơ bản”, chuyên gia của MBS lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, hiện VN-Index vẫn đi ngang trong biên độ 1.480-1.500 điểm (EMA34 và EMA89) và chưa có dấu hiệu bứt phá. Các chỉ báo động lượng MACD, RSI đã có tín hiệu cắt xuống, tuy nhiên vẫn giữ ở ngưỡng an toàn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 3/3, nhóm trụ có thể phục hồi để hỗ trợ chỉ số hướng tới vùng 1.520 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh theo dõi và tiếp tục nắm giữ các mã cổ phiếu cơ bản trong danh mục, có thể tăng tỷ trọng những cổ phiếu kỳ vọng có câu chuyện trong tháng 3”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với diễn biến thị trường. Đồng thời lưu ý đến khả năng thị trương sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc, giảm điểm mạnh trong giai đoạn hiện tại.
“Nhà đầu tư vẫn ưu tiên nắm giữ vị thế tiền mặt, chỉ thực hiện mua gom tích lũy các cổ phiếu cơ bản, có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 khi thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh. Hạn chế dần việc mở các vị thế mua mới hoặc thực hiện các hoạt động trading trong giai đoạn hiện tại”, chuyên gia của BVSC khuyến nghị./.