VN Index có thể lùi về 1.230 điểm vì căng thẳng Trung Đông
Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường là căng thẳng Trung Đông leo thang mạnh, khiến VN Index có thể quay về mức 1.230 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Đây là nhận định được các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chia sẻ trong báo cáo chiến lược tháng 10.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III
Theo VDSC, tháng 10 với tiêu điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III dự kiến sẽ sôi động trong 2 tuần cuối tháng. Báo cáo tài chính quý III được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục là "đầu tàu" dẫn dắt đà tăng trưởng, bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN Index ước đạt khoảng 28%.
Động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng bao gồm: NIM quý III tăng nhẹ so với quý trước sau khi chất lượng tài sản cải thiện; chi phí tín dụng không còn gây áp lực lớn lên lợi nhuận; tăng trưởng tín dụng các ngân hàng.
Theo VDSC, đây sẽ "chất xúc tác" giúp VN Index bứt phá lên điểm số mới, khi định giá thị trường vẫn ở ngưỡng giao dịch trung bình.
Câu chuyện nâng hạng thị trường
Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ được cụ thể hóa trong dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 8.
Dự thảo luật nếu được thông qua sẽ mang ý nghĩa bước ngoặt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025 theo đánh giá của tổ chức FTSE và MSCI.
Cuối cùng, động thái cắt giảm lãi suất và chính sách hỗ trợ kinh tế của các NHTW lớn góp phần tạo thêm dư địa để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ ôn hòa theo hướng hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, việc FED cắt giảm lãi suất suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9 đánh dấu chu kỳ cắt giảm lãi suất kể từ năm 2020, đồng thời đưa ra kịch bản cắt giảm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
Động thái này được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại các thị trường cận biên và mới nổi trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới đây, nếu có thể vực dậy đà tăng trưởng ở quốc gia này, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với Việt Nam khi mức độ giao thương giữa 2 nền kinh tế là rất lớn.
Rủi ro địa chính trị toàn cầu
Ở chiều ngược lại, rủi ro chiến sự khu vực Trung Đông leo thang là yếu tố cần cẩn trọng trong ngắn hạn. Việc đáp trả lẫn nhau giữa Israel và Iran, trong kịch bản tiêu cực nhất, có thể dẫn đến việc Iran chặn eo biển Hormuz, làm ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Cú sốc cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt, gây thêm áp lực lên triển vọng lạm phát và làm phức tạp chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn. Mặc dù theo đánh giá VDSC kịch bản khủng hoảng ở eo biển Hormuz là khó xảy ra, các hành động leo thang mạnh hơn có thể tạo một đợt biến động mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngắn hạn, bao gồm Việt Nam.
Sự kiện này có thể góp phần khiến hành trình chinh phục ngưỡng 1.300 điểm của VN Index trở nên thử thách. Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN Index sẽ dao động trong biên độ 1.265-1.320 điểm trong tháng 10.
Nhìn xa hơn cho những tháng còn lại của quý IV, kỳ vọng VN Index có thể hướng đến chinh phục vùng 1.334-1.380 điểm khi phản ánh mức tăng trưởng lợi nhuận quý III (EPS 12 tháng tăng 14-15% so với EPS 2023), tương ứng P/E kỳ vọng 14,5-15x.
“Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường là căng thẳng Trung Đông leo thang mạnh, khiến VN Index kiểm định lại vùng giao dịch P/E 13,5x, tương ứng với việc VN Index có thể quay về mức 1.230 điểm trước khi phục hồi trở lại”, các chuyên gia của VDSC nhận định.