VN-Index 'đỏ vỏ', hơn 120 mã vẫn kịch trần

Thị trường xác lập một phiên mất điểm nếu nhìn từ chỉ số VN-Index. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn phân hóa rất tích cực, thậm chí số cổ phiếu tăng giá trong chỉ số này còn gấp rưỡi số giảm. Cả ba sàn còn ghi nhận 123 cổ phiếu kịch trần trong đó HoSE đóng góp 52 mã. Nhà đầu tư vẫn đang kiếm được tiền bất kể chỉ số đỏ...

VN-Index chiều nay thậm chí chịu sức ép gia tăng từ nhóm blue-chips và tụt sâu hơn.

VN-Index chiều nay thậm chí chịu sức ép gia tăng từ nhóm blue-chips và tụt sâu hơn.

Thị trường xác lập một phiên mất điểm nếu nhìn từ chỉ số VN-Index. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn phân hóa rất tích cực, thậm chí số cổ phiếu tăng giá trong chỉ số này còn gấp rưỡi số giảm. Cả ba sàn còn ghi nhận 123 cổ phiếu kịch trần trong đó HoSE đóng góp 52 mã. Nhà đầu tư vẫn đang kiếm được tiền bất kể chỉ số đỏ.

Ảnh hưởng lớn nhất khiến thị trường rơi vào trạng thái “đỏ vỏ, xanh lòng” là nhóm blue-chips. VN-Index giảm 8,68 điểm tương đương -0,9% chỉ đạo do tác động của VCB giảm 1,96%, VIC giảm 2,44%, GAS giảm 2,62%, VHM giảm 2,19%, NVL giảm 6,84%. Top 5 cổ phiếu tệ nhất này lấy đi gần 7 điểm.

Vn30-Index chốt phiên giảm 1,47%, Midcap tăng 0,16% và Smallcap tăng 1,07%. Thực trạng này xác nhận ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu blue-chips. Rổ VN30 kết phiên với 7 mã tăng/20 mã giảm, với 13 mã giảm trên 2%.

Rõ ràng nhóm blue-chips đang chịu áp lực lớn hơn phần còn lại của thị trường. VN30-Index kết phiên sáng mới giảm 1,06%, nghĩa là mặt bằng cổ phiếu buổi chiều đã thấp đi đáng kể. Thống kê cho thấy so với giá buổi sáng, 16 mã trong rổ này đã giảm xuống, chỉ 8 mã tăng cao thêm. Cổ phiếu ngân hàng tụt giá mạnh, tiêu biểu là ACB giảm 1,9% so với giá buổi sáng, BID giảm 1,25%, CTG giảm 1,43%, STB giảm 2,05%, TCB giảm 1,55%, VCB giảm 1,32%... Ngoài ra, VIC cũng tụt mất 1,54%, VRE tụt 2%, BVH tụt 1,2%.

Một bất ngờ lớn là thanh khoản của nhóm VN30 phiên chiều rất yếu, chỉ đạt gần 1.429 tỷ đồng khớp lệnh. Tổng nhóm này cả ngày giảm tới 47% so với phiên trước, còn hơn 2.753 tỷ đồng. Thanh khoản càng lúc càng tụt đi, trong khi giá cũng mở rộng biên độ giảm. Điều đó chỉ có thể đến từ lực cầu suy yếu và bán tăng dần sức ép.

Dĩ nhiên với thanh khoản thấp, nhu cầu bán vẫn chưa thật sự lớn. Mới có một bộ phận nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Biên độ tăng đến T+3 ở nhóm VN30 hầu hết là mạnh, đáng để hiện thực hóa. Điều này tác động đến chỉ số VN-Index, nhưng chưa khiến cả thị trường bị xáo trộn. Bằng chứng là độ rộng của HoSE cuối phiên vẫn còn 259 mã tăng/177 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản hầu hết là tăng mạnh, nhưng vài mã vốn hóa lớn vẫn giảm.

Nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản hầu hết là tăng mạnh, nhưng vài mã vốn hóa lớn vẫn giảm.

Ảnh hưởng này là khá dễ hiểu khi dòng tiền trong thị trường là có giới hạn. Thực tế sau phiên bùng nổ hôm 16/11, thị trường đã không thu hút thêm được nhiều tiền, thanh khoản từ từ tụt giảm. Các blue-chips có lượng lưu hành lớn, thanh khoản cao, cần lượng tiền dồi dào hơn hẳn mới giữ được giá. Trong khi đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thanh khoản ít, hôm nay vẫn được nâng đỡ đủ mạnh.

Phần lớn các mã tăng kịch trần ở HoSE chiều nay có vốn hóa nhỏ, thanh khoản kém. Số hiếm cổ phiếu thanh khoản trên 50 tỷ như NLG, HAG, HSG, DIG, CII. Tronhg Top 5 thanh khoản của VN-Index, duy nhất DIG là tăng giá, còn lại đều giảm, là HPG, DGC, STB, EIB.

Khối ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng khoảng 40,3 tỷ đồng trên HoSE, nhưng mua bán đều lớn. Cụ thể, tổng giá trị mua đạt 1.107,2 tỷ đồng, bán ra 1.066,9 tỷ đồng. DGC bị xả lớn 151,5 tỷ đồng và giá giảm sàn 6,92%. Khối ngoại xả ra gần 3,1 triệu cổ, chiếm 43% tổng thanh khoản. DXG bị bán ròng 50,3 tỷ, giá tăng 0,96%, STB bán ròng 34,1 tỷ giá giảm 2,34%, VHM bán ròng 26,2 tỷ giá giảm 2,19%. Phía mua ròng có VPB, HPG trên 50 tỷ ròng.

Kim Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vn-index-do-vo-hon-120-ma-van-kich-tran.htm