VN-Index giảm 4 phiên liên tiếp, dòng tiền chạm đáy 2 tuần
Thanh khoản toàn thị trường trong phiên 13/12 chỉ đạt 13.200 tỷ đồng, riêng sàn HoSE đạt 11.400 tỷ đồng. Đây là giá trị giao dịch thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.
Sau phiên đảo chiều giảm điểm hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào ngày giao dịch 13/12 với vị thế kém tích cực. Việc dòng mua suy yếu khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng lao dốc.
Tình trạng chỉ số chính ngụp lặn dưới tham chiếu kéo dài từ lúc mở cửa đến kết phiên. Dẫu vậy, lực cầu vẫn sẵn sàng nâng đỡ VN-Index quanh vùng 1.260 điểm.
Kết phiên, VN-Index giảm 4,78 điểm (-0,38%) xuống 1.262,57 điểm; HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,43%) xuống 227 điểm; UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%) xuống 92,54 điểm.
Không khí giao dịch trên cả 3 sàn tương đối ảm đạm với việc thanh khoản giảm xuống mức thấp nhất từ đầu tháng 12, đạt 13.200 tỷ đồng.
Trong phiên VN-Index giảm điểm, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Toàn thị trường hôm nay ghi nhận 480 mã giảm (gồm 24 mã giảm sàn), 812 mã giữ tham chiếu và 312 mã tăng (gồm 41 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 22 mã giảm và 8 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ vì thế sụt giảm xuống mốc 1.331 điểm.
Nguyên nhân kéo tụt chỉ số VN-Index hôm nay chủ yếu đến từ các mã bluechip như VCB (-0,4%), HPG (-1,1%), MSN (-1,4%), VPB (-0,8%), BID (-0,4%), FPT (-0,5%), GVR (-0,8%), PLX (-1,8%), OCB (-3,1%) và VNM (-0,6%).
Ngược lại, đà tăng giá của MWG (+1,7%), LGC (tăng trần), TCB (+0.4%), VTP (+2,8%), VIB (+0,8%), STB (+0,6%), KDC (+2,1%), TMP (+6,1%), CTG (+0,1%) và REE (+0,8%) giúp chỉ số chính không giảm quá sâu.
Sắc xanh hôm nay chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu hồi phục kỹ thuật hoặc có câu chuyện riêng. Điển hình như mã BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng gần 5% sau khi có thông tin được HoSE chấp thuận đăng ký niêm yết.
Theo đó, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu lên HoSE từ ngày 21/8. Thực tế, kế hoạch chuyển sàn đã được đưa ra trong nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc nhiều tiêu chí của Sở Giao dịch này.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo BSR cho biết vào cuối năm 2023, công ty đã lỡ hẹn niêm yết trên HoSE do chỉ đáp ứng 8/9 tiêu chí, trừ tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn. Nguyên do là công ty con BSR-BF có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất.
Đến ngày 27/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF. Điều này đã chấm dứt quyền kiểm soát của BSR tại BSR-BF. Theo đó, BSR không còn hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con này, từ đó đáp ứng điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Trong bối cảnh chỉ số chính giảm 4 phiên liên tiếp, khối ngoại tiếp tục vị thế bán ròng với quy mô hơn 100 tỷ đồng hôm nay. Danh mục bán ra của nhà đầu tư ngoại phần lớn là các mã đã tăng tốt thời gian qua như MCH (-83 tỷ đồng), VCB (-54 tỷ đồng), HPG (-32 tỷ đồng).
Mặt khác, một phần tiền ngoại được chuyển sang các mã ACV (+73 tỷ đồng), HDB (+55 tỷ đồng), PVD (+32 tỷ đồng).