VN-Index giảm gần 10 điểm, dòng tiền trở lại nhóm bán lẻ

Nhà đầu tư giao dịch thận trọng và áp lực chốt lời ở vùng giá cao khiến VN-Index giảm sâu. Nhóm bán lẻ nhận được dòng tiền quan tâm trở lại sau vài phiên bị tác động tiêu cực bởi kết quả kinh doanh quý 2/2023.

Giao dịch sàn HoSE phiên 3/8.

Giao dịch sàn HoSE phiên 3/8.

Phiên 3/8, VN-Index giao dịch giằng co quanh mức tham chiếu rồi đi xuống nhanh vào phiên chiều. Kết phiên, chỉ số dừng ở mốc 1.210,95 điểm, giảm gần 10 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index cũng giảm 1,5 điểm trong khi UPCoM tăng 0,14 điểm. Thanh khoản trên tỷ USD với gần 24.400 tỷ đồng được giao dịch.

Khối ngoại chiếm gần 2.300 tỷ đồng, bán ròng nhẹ 69 tỷ đồng trên sàn HoSE. HPG bị bán ròng mạnh nhất với gần 89 tỷ đồng. Tiếp sau là VND 60 tỷ đồng, MWG 54 tỷ đồng, CTD 31 tỷ đồng, VCB, KDH, SSI, HDG, DPM, VCG trên 20 tỷ đồng.

Chiều mua, khối ngoại gom mạnh 2 mã CTG và DCM với giá trị mua ròng trên 78 tỷ đồng. MSN và CTF cũng được mua ròng 67 tỷ đồng và 54 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có FRT, SAB, DGC, PVT DGW…

VHM là mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi giảm 2,9%. HPG cũng gây gánh nặng lớn khi giảm 2,4%. Hàng loạt bluechip giảm 1-2% như BID, BVH, HDB, PLX, POW, SSI, STB, TPB… Vì vậy chỉ số VN30 giảm gần 11 điểm. Các mã còn giữ được chiều tăng là ACB, FPT, MSN, MWG, NVL, SAB, VJC.

HPG giảm sâu nên nhóm cổ phiếu thép bị đẩy về vị trí “chót bảng”. Cổ phiếu của Hòa Phát đã liên tục giảm kể từ cuối tháng 7 đến nay, sau khi chinh phục lại vùng giá 28.000 đồng. NKG, HSG cũng đều giảm giá.

Nhóm cổ phiếu thép đã phục hồi đáng kể từ mức đáy hồi tháng 11/2022. Kỳ vọng thị trường dành cho nhóm này cũng lớn khi các doanh nghiệp đều lạc quan sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua vẫn chưa thực sự khả quan. HPG và NKG có lãi nhưng vẫn rất khiêm tốn. Đa số các công ty còn lại báo lỗ.

Các nhóm trụ cột của thị trường là bất động sản – xây dựng, chứng khoán, ngân hàng đều ở chiều giảm với tâm điểm bán hướng đến các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tại nhóm ngân hàng, TPB giảm 2,4%, VCB, VPB, TCB, STB, BID đều giảm trên 1%. Chiều tăng ngoài ACB còn có BAB, BVB LPB, NAB, PGB, SGB. Trong đó, SGB tăng 10,4% lên mức giá 18.000 đồng. Từ đầu tháng 7 đến nay, mã này đã tăng gần 40%.

Trong phiên 1/8, 58,7 triệu cổ phiếu SGB, tương đương 19,07% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã được sang tay. Tổng giá trị của các giao dịch đạt 863,07 tỷ đồng, tương đương với giá thỏa thuận bình quân ở mức 14.696 đồng/cp.

Số cổ phiếu SGB được giao dịch ngày 1/8 đúng bằng số cổ phiếu SGB được CTCP Bất động sản BNP Global (BNP Global) dùng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã BNPCH2123001 phát hành vào ngày 7/6/2021 và đáo hạn vào ngày 7/6/2023. Lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.

Tại ngày đáo hạn, BNP Global vẫn chưa thanh toán 512,1 tỷ đồng tiền gốc, lãi của lô trái phiếu. Ngay sau đó, thông báo tới người sở hữu trái phiếu, BNP Global cho biết đang trong quá trình đám phán yêu cầu bán tài sản đảm bảo.

Nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ. VND giảm 2%, SSI giảm 1,7%. Nhiều mã giảm 2-3% như BSI, EVS, HBS, MBS, VIG… Ngược lại, VIX vẫn duy trì “phong độ”, tăng 3,1% lên mức giá 16.850 đồng, cao nhất kể từ tháng 3/2022. Vùng đỉnh của VIX là 20.000 đồng.

Nhóm xây dựng và bất động sản bị kéo xuống bởi 3 cổ phiếu nhóm Vingroup, KBC, NLG, KDH, DPG, CII, HUT… VCG giảm mạnh 3,9% sau thông tin công ty mẹ của Vinaconex là CTCP Đầu tư Pacific Holdings muốn bán thêm 39 triệu cổ phiếu VCG.

Giao dịch dự kiến từ ngày 7/8 – 5/9, bằng phương pháp khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu bán trọn số cổ phiếu này, Pacific Holdings sẽ giảm sở hữu tại Vinaconex từ 52,44% xuống còn 45,14% vốn điều lệ công ty, qua đó không còn làm công ty mẹ của VCG.

Các mã vẫn giữ được sắc xanh là NVL, DIG, DXG, BCG, CEO, LCG, C4G, TCH, IJC, TCD…

Nhóm cổ phiếu bán lẻ hôm nay ngược dòng thị trường. Không chỉ MWG, FRT cũng tăng 3,4%, DGW tăng 3,7%. Mùa báo cáo kinh doanh quý 2/2023 vừa qua, nhóm này ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh. Tuy nhiên thị trường đang kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của sức cầu tiêu dùng trong nửa cuối năm.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-giam-gan-10-diem-dong-tien-tro-lai-nhom-ban-le-post25127.html