VN-Index giảm sâu, 357 cổ phiếu giảm sàn, thị trường chờ dòng tiền bắt đáy
Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một phiên giảm điểm rất mạnh với gần 360 mã cổ phiếu giảm sàn và chỉ số VN-Index mất 60 điểm xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm.
Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một phiên giảm điểm rất mạnh với gần 360 mã giảm sàn và chỉ số VN-Index mất 60 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ vẫn khá thấp.
Áp lực bán tăng mạnh
“Áp lực bán mạnh hiếm có, nhiều người trong thị trường mới cảm nhận được nỗi đau. Nhiều nhà đầu tư F0 khi thắng thì không được nhiều, nhưng lần giảm này không ít người thua lỗ 50-60% cho dù thị trường chung giảm khoảng 15%”, ông Tấn Đường, một nhà đầu tư tại Sài Gòn - chia sẻ sau khi chứng kiến thị trường có gần 360 mã giảm sàn và chỉ số VN-Index mất gần 60 điểm (tương đương giảm hơn 4,3%) trong phiên 9/5.
“Áp lực bán quá mạnh và bất ngờ. Nhiều mã có giá còn thấp hơn lúc thị trường 900-1.000 điểm, mà nhiều DN vẫn làm ăn bình thường. Nhiều mã đã phá đáy 1 năm qua”, một nhà đầu tư phân tích.
Nhiều người cho rằng, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm theo đà sâu như này thì chỉ một thời gian ngắn nữa là một lượng lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có cơ hội tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán.
VN-Index giảm 17% trong thời gian ngắn.
“Trên thị trường bắt đầu nghe thấy những tiếng than vãn. Những lần bắt đáy gần đây đều không thấy đâu. Nhiều người miệt mài mua vào cả chục phiên qua và kết quả thấy VN-Index giảm thêm cả trăm điểm trong chớp mắt. Với tình hình này, đầu tư dài hạn mua dần có thể được, nhưng mua cho đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng t+3 vẫn rủi ro rất lớn vì tín hiệu tích cực chưa có, thanh khoản trên thị trường không cao, dòng tiền mất hút”, ông Nguyễn Tất Thành, một nhà đầu tư tại Hà Nội, lưu ý.
Một nhà đầu tư tại Quận 2 (TP.HCM) cho biết, ông đã rút tiền về làm việc khác, chấp nhận thua lỗ một phần. Trong khi, một vài nhà đầu tư cá nhân cho biết đã mất đứt số tiền tương đương con xe Fadil, thậm chí có người mất cả lô đất trong đợt chứng khoán giảm sâu vừa qua.
Nhiều các chuyên gia, một khi thị trường rơi vào xu hướng downtrend thì việc cứ lao vào mua bắt đáy có thể chịu thiệt hại. Downtrend là rất thảm khốc. Khả năng canh hồi khoảng 5-7% để bán cắt lỗ cũng là một lựa chọn được một số người tính tới.
Dù vậy, không ít người con mắc kẹt và gồng lỗ do thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tuần. Sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu trong 2 năm qua đã khiến không ít người bám trụ và tin vào sự hồi phục của các mã cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư có rút ra nhưng vẫn để một lượng tiền nhất định vào một số mã tâm huyết và chờ giá sẽ sớm hồi phục hoặc chuyển qua nắm giữ dài hạn.
Trên thực tế, có những nhà đầu tư đã tính trú ẩn vào các mã có cổ tức bằng tiền mặt cao và chia đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người không lựa chọn những mã như vậy vì mức độ tăng giảm, lượn sóng không lớn.
Ông Nguyễn Văn Tám tại Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, khi thị trường sụt giảm là lúc tham gia chứ không phải buông bỏ, phải tham lam khi mọi người sợ hãi và một năm chỉ có 1-2 cơ hội như thế này.
Dù vậy, nhiều người tiết lộ tiền đã nằm hết trong chứng khoán dù thấy nhiều mã cổ phiếu “đã rẻ rồi”.
Lo sợ yếu tố lạm phát tiềm ẩn
Một trong những yếu tố được nhắc tới nhiều gần đây là lạm phát tiềm ẩn. Hiện tại, lạm phát tại Việt Nam chưa cao so với thế giới nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa đầu vào, trong đó có xăng dầu, khí đốt, hóa chất… tăng mạnh.
Theo SSI, chiến lược thị trường tháng 5/2022 là "kiên nhẫn chờ thời". TTCK Việt Nam giao dịch thận trọng xuyên suốt tháng 4 với ảnh hưởng chính từ câu chuyện lạm phát và lãi suất. VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng quanh vùng 1.366 điểm, giảm gần 9% so với thời điểm cuối năm 2021.
Áp lực bán tháo khiến hầu hết các cổ phiếu giảm giá.
Bước sang tháng 5, SSI cho rằng có thể xuất hiện hai kịch bản đối với VN-Index. Kịch bản thứ nhất, chỉ số có thể hình thành mẫu hình hai đáy và hồi phục trở lại. Kịch bản thứ hai, VN-Index có thể chuyển dần sang diễn biến giằng co đi ngang (side way). Chỉ số có thể sẽ giao dịch trong kênh giá 1.380-1.280 điểm trong phần lớn thời gian của tháng 5.
Nhóm cổ phiếu cơ bản, được xác nhận bởi câu chuyện kết quả kinh doanh tích cực vẫn là các đại diện được ưu tiên. Tuy nhiên, điểm quan trọng vẫn là định thời điểm mua mới. Việc tăng tỷ trọng chỉ nên cân nhắc khi thị trường xác nhận một trong các kịch bản nêu trên.
SSI nhận định, dòng tiền cổ phiếu vào thị trường phát triển đảo chiều giảm trong tháng 4 và hướng sang các thị trường mới nổi. Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi gấp 2-3 lần so với cùng kỳ nhờ định giá hấp dẫn. Năm 2021, cổ phiếu thị trường mới nổi ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn thị trường phát triển 24,5%, trong khi mức này chỉ là 3,5% trong 4 tháng đầu năm nay. Chỉ số P/E forward của cổ phiếu thị trường mới nổi là 12 lần, còn cổ phiếu thị trường đã phát triển là 17,2 lần, theo tính toán từ JP Morgan.
Tại Việt Nam, dòng vốn đảo chiều tăng trong tháng 4 sau 2 tháng bị rút ròng, khi định giá thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn sau khi giảm tới 9,9% trong tháng 4. Lực mua trong tháng chủ yếu đến từ quỹ VFM VNDiamond (nhờ dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DR) và quỹ Fubon với giá trị ròng lần lượt đạt 886 tỷ đồng và 953 tỷ đồng. Quỹ VFM VN30 cũng đảo chiều sang hút ròng với giá trị 223 tỷ đồng.
Nhìn chung, tổng dòng vốn ETF trong tháng 4 ghi nhận bơm ròng với tổng giá trị đạt 1.690 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 9 tháng gần đây. Dù vậy tính chung cho 4 tháng đầu năm, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng khá khiêm tốn, 1.845 tỷ đồng (so với mức kỷ lục 13.200 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021) với lực mua chủ yếu đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.
Giao dịch khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 4 đạt tổng giá trị 4.020 tỷ đồng, lần đầu tiên khối ngoại mua ròng kể từ 7/2021. Khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào ngành cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, hoặc ngành Việt Nam có lợi thế về dài hạn như bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp.