VN-Index giao dịch giằng co, trụ đỡ từ cổ phiếu VCB, MSN, PGV

VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Dù có sự hỗ trợ từ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ vẫn áp đảo. VN-Index vẫn đứng vững trước mốc 1.040.

Trụ đỡ ít ỏi, thị trường không kéo lại được sắc xanh

Tiếp theo quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đã công bố quyết định tăng lãi suất lần thứ 7 thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 3,25%. Thông tin trên đã tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Nhiều sàn chứng khoán châu Á đã đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ như tại Ấn độ (-1,1%), Thâm Quyến (-0,82%)... Trước đó, chỉ số Dowjones cũng giảm 0,86% khi kết phiên đêm qua.

Tại Việt Nam, chỉ số hai sàn niêm yết đều giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. VN-Index kết phiên giảm nhẹ 0,30 điểm (-0,03%) về mức 1.040,31 điểm với thanh khoản suy giảm. HNX-Index giảm 0,35 điểm (0,17%) xuống 207,80 điểm. Số lượng các mã chứng khoán giảm điểm cũng cao vượt số mã tăng.

Trong khi đó, sắc xanh áp đảo ở chỉ số sàn UPCoM. Dù khá “đuối” trong phiên chiều, UPCoM-Index vẫn kịp đóng cửa tăng 0,37%. Sàn UPCoM có 170 mã tăng, trong khi chỉ có 153 mã giảm. Còn trên cả ba sàn, số mã giảm nhỉnh hơn, dù không nhiều. Tổng cộng, có 334 mã tăng, 45 mã tăng trần; trong khi có tới 396 mã giảm và 46 mã giảm sàn.

Trong nhóm VN30, 20/30 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ. Ngay ở top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, số mã giảm cũng áp đảo với chỉ 3 mã chứng khoán tăng gồm VCB (+1,47%), VNM (+0,29%) và HPG (+0,7%).

Trên sàn HoSE, top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường lần lượt là VCB, MSN. PGV, HPG và HDB. Ở chiều ngược lại, VIC, VHM, CTG, BID và TCB – cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm bất động sản và ngân hàng lại là “tội đồ” khiến sắc đỏ thắng thế trên sàn HoSE.

Cổ phiếu thép phần lớn tăng giá. Ngoài HPG, một số cổ phiếu thép tăng mạnh như SMC (+2,5%), TVN (+2%) hay NLG (+0,7%), HSG (+0,3%). Nhóm cổ phiếu dầu khí đa phần cũng phục hồi tích cực với sự hồi phục của nhiều cổ phiếu như PVC (+1,30%), PVG (+1,27%), PVD (+1,23%). OIL (+1,11%)...

Trong khi đó, nhóm điện có sự phân hóa. PGV bứt phá tăng mạnh 5,56%. Liên tục trong 6 phiên gần đây, cổ phiếu của EVNGenco3 không giảm. Thông tin giá điện bán lẻ tăng được đề cập từ trước kỳ nghỉ lễ và chính thức có hiệu lực từ 4/5 đã giúp nhiều cổ phiếu ngành điện giao dịch tích cực. Tuy nhiên, một số cổ phiếu điện như REE, PC1 quay đầu điều chỉnh khá chóng vánh, một phần vì đã có giai đoạn tăng tốt trước đó.

Diễn biến trái chiều cũng xuất hiện rõ ràng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau phiên tăng hôm nay, quy mô vốn hóa của Vietcombank đã tăng lên gần 425.000 tỷ đồng. Trong khi VCB tăng và là cổ phiếu góp điểm tăng nhiều nhất, một nửa trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực phiên nay có sự xuất hiện của cổ phiếu nhà băng, bao gồm CTG, BID, TCB, VPB và MBB.

Tương tự với nhóm cổ phiếu bất động sản. Hai cổ phiếu nhà Vin gồm VIC và VHM là đầu tàu kéo lùi chỉ số khi đều giảm trên 1%. Đa phần cổ phiếu bất động sản chịu áp lực điều chỉnh như HDG (-1,77%), SCR (-1,74%), CEO (-1,61%)... Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng như ITC (+6,92%), QCG (+4,42%)...

Khối ngoại và tự doanh bán ròng

Thanh khoản trên ba sàn giảm so với phiên liền trước với giá trị giao dịch đạt 10.767 tỷ đồng. Khối ngoại và tự doanh từ công ty chứng khoán bán ròng trong phiên hôm nay.

Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân thêm 564 tỷ đồng trong khi bán ra 739 tỷ đồng. Giao dịch thu hẹp ở cả hai chiều mua bán. Mức bán ròng riêng trên cả ba sàn đạt 177 tỷ đồng. Cổ phiếu tài chính là nhóm bị khối ngoại bán mạnh nhất, dẫn đầu là STB (63 tỷ đồng), CTG (59 tỷ đồng), SSI (27 tỷ đồng) hay VPB (24 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Hòa Phát được mua vào nhiều nhất (55 tỷ đồng), tương đương gần 24% trong tổng giao dịch cổ phiếu này (hơn 230 tỷ đồng). Lực mua từ khối ngoại đóng góp đáng kể trong phiên tăng hôm nay của cổ phiếu “vua” thép.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-giao-dich-giang-co-tru-do-tu-co-phieu-vcb-msn-pgv-d189083.html