VN-Index lại đối mặt với rủi ro điều chỉnh

Áp lực tỷ giá được cho là nguyên nhân chính sẽ khiến thị trường chứng khoán rơi vào rủi ro giảm giá trong ngắn hạn, bởi đây là kênh 'nhạy cảm' với lãi suất. Nhà đầu tư được khuyến nghị đánh giá lại trạng thái danh mục đầu tư hiện tại, nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu.

Tuần qua (20-24/5), VN-Index gặp áp lực bán mạnh tại vùng đỉnh cũ, giảm trở lại sau 4 tuần tăng điểm. Kết tuần, VN-Index giảm 0,9% xuống 1.261,9 điểm. HNX -Index gần như không đổi ở mức 241,7 điểm và UPCoM-Index tăng 1,4% lên 94,4 điểm. Thanh khoản tiếp tục có xu hướng đi lên với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 27.670 tỷ đồng/phiên (tăng 37,6% so với tuần trước).

Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên

Đáng chú ý, sau phiên điều chỉnh giảm mạnh hơn 10 điểm, VN-Index đã bật tăng trở lại hơn 14 điểm vào cuối phiên 23/5 và chốt tại 1.281,03 điểm, chính thức giữ được ngưỡng kháng cự mạnh 1.280 điểm mang đến niềm hân hoan cho thị trường.

Tuy nhiên, ngay sau đó, phiên giảm sốc chốt tuần 24/5 đã “cuốn trôi” đi hết những kỳ vọng vừa được nhen nhóm. Phiên này, chỉ số chính giảm hơn 19 điểm khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt và vượt mốc 5%, phản ánh thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa như giai đoạn trước.

Áp lực tỷ giá được cho là nguyên nhân chính sẽ khiến thị trường chứng khoán rơi vào rủi ro giảm giá trong ngắn hạn.

Áp lực tỷ giá được cho là nguyên nhân chính sẽ khiến thị trường chứng khoán rơi vào rủi ro giảm giá trong ngắn hạn.

Sau phiên 24/5, nhiều nhận định mang tính thận trọng hơn khi cho rằng đà tăng của VN-Index đã bị phá vỡ và chỉ số chính sẽ quay đầu điều chỉnh.

“Diễn biến ngắn hạn của thị trường đang có nhiều thông tin kém khả quan”, ông Phạm Bình Phương, chuyên viên phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset đánh giá.

Theo ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia Khối phân tích, Chứng khoán VNDirect, rủi ro ngắn hạn đang tăng lên khi thị trường đón nhận những thông tin không mong đợi cả trong nước và quốc tế.

Ông Hinh phân tích, trong nước, áp lực tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Theo một số nguồn tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ra 3,5 tỷ USD để bình ổn thị trường, Việc đấu thầu vàng miếng cũng hút một lượng thanh khoản khá lớn khỏi thị trường. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 5%. NHNN cũng tăng lãi suất kênh thị trường mở (OMO) lên mức 4,5%/năm.

“Những thông tin trên đã lập tức tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán, khi đây là kênh “nhạy cảm” với lãi suất”, ông Hinh nhận xét.

Dưới góc nhìn thận trọng của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, áp lực tỷ giá là điều đáng ngại nhất với thị trường. Việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu mới đây được kỳ vọng sẽ thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó làm giảm áp lực tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, tăng lãi suất OMO chỉ tác động ngắn hạn giúp tỷ giá không tăng mạnh. Để ghìm được áp lực tỷ giá, chuyên gia cho rằng NHNN cần tăng lãi suất điều hành để giúp khoảng cách chênh lệch lãi suất tiền USD và VND thu hẹp.

Bên cạnh áp lực tỷ giá, xu hướng giảm của chứng khoán thế giới có thể sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong nước.

Cùng với việc thanh khoản gia tăng trong phiên giảm mạnh, ông Minh cho rằng thị trường đã có tín hiệu phân phối.

“VN-Index đã tạo đỉnh và xác lập xu hướng giảm trong ngắn hạn. Với những rủi ro hiện hữu, VN-Index có thể nhúng và kiểm định lại vùng 1.250 điểm, khả năng xấu nhất là chỉ số có thể về 1.200-1.210 điểm”, chuyên gia Yuanta dự báo.

Ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu

Trước những dấu hiệu rủi ro đang xuất hiện, nhà đầu tư được khuyến nghị đánh giá lại trạng thái danh mục đầu tư hiện tại, nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu.

Với những nhà đầu tư ngắn hạn đang sử dụng đòn bẩy (margin) hoặc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm trạng thái, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức 30 - 50%.

Còn đối với nhà đầu tư dài hạn, có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu chưa đạt giá mục tiêu, tuy vậy chưa nên vội vàng mua vào mà cần kiên nhẫn quan sát cung cầu, diễn biến thị trường trong những phiên tới, chờ đợi các điểm mua hấp dẫn hơn để giải ngân. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm và ngưỡng hỗ trợ xa hơn quanh vùng 1.220 điểm. Quyết định mua vào hoặc nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố cơ bản và mức định giá của doanh nghiệp hiện tại.

“Việc mua mới cổ phiếu nên tránh cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi yếu tố lãi suất tăng, thay vào đó cần hướng đến cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt như bán lẻ, hàng tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng”,ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) lưu ý.

Theo Chứng khoán SHS, nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cao nên tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong năm nay.

Tương tự, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường, tạm thời nên tránh rơi vào trạng thái quá mua, đồng thời có thể cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Còn theo chuyên gia Yuanta, dòng tiền bắt đáy sẽ chưa vội vàng gia nhập trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên quan sát những tín hiệu về chứng khoán thế giới, giá cả hàng hóa, đồng USD, tỷ giá để đưa ra quyết định giải ngân khi VN-Index về những vùng hỗ trợ mạnh.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/vn-index-lai-doi-mat-voi-rui-ro-dieu-chinh-1100028.html