VN-Index lấy lại sắc xanh, VRE tăng kịch trần, nhóm công nghệ giảm sâu

Nhóm VN30 có sự phân hóa mạnh và khiến VN-Index biến động giằng co. VRE là tâm điểm khi tăng trần và có đóng góp quan trọng giúp giữ sắc xanh của VN-Index.

Sau phiên giảm mạnh hôm 24/6 khiến VN-Index "bốc hơi" 2,18% một phần có thể đến từ áp lực bán chốt NAV quý II/2024 cùng với đó là những áp lực giảm dư nợ margin cuối quý, giao dịch về trạng thái giằng co mạnh trong phiên 25/6.

Dù biến động ở phiên trước là khá tiêu cực nhưng lực cầu giá thấp ngay lập tức xuất hiện và kéo VN-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch. Đà tăng của VN-Index không duy trì được tốt, thay vào đó, áp lực bán mạnh quay trở lại và khiến chỉ số đảo chiều. Diễn biến giằng co của thị trường diễn ra trong suốt phiên sáng với nỗ lực giữ VN-Index ở trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số đã chuyển màu đỏ vào cuối phiên sáng do áp lực bán vẫn lớn. Sang đến phiên chiều, tranh chấp giữa bên mua và bên bán vẫn khá căng thẳng nên VN-Index tiếp tục có những nhịp biến động lên xuống đan xen. Chốt phiên, chỉ số giữ được sắc xanh nhẹ nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu trụ cột.

Nhóm cổ phiếu họ “Vin” có đóng góp quan trọng trong việc giữ được sắc xanh của VN-Index ở phiên này. Trong đó, VRE tăng kịch trần lên 21.300 đồng/cp và khớp lệnh đột biến 25,4 triệu đơn vị. VHM tăng 0,93% còn VIC tăng nhẹ 0,24%. VRE đóng góp 0,75 điểm cho VN-Index ở phiên hôm nay.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như HVN, GVR, VPB hay BCM cũng tăng giá tốt và phần nào hỗ trợ cho VN-Index đóng cửa trên mốc tham chiếu. HVN tăng đến 4% và được sự hỗ trợ của khối ngoại khi mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, BID là “tội đồ” gây áp lực lớn nhất đến VN-Index, cụ thể, BID giảm 1,78% và lấy đi của chỉ số 1,11 điểm. Bên cạnh đó, SSB cũng lấy đi 0,88 điểm khi giảm đến 6,4%. Như vậy SSB chỉ sau 2 phiên vừa qua đã lấy đi toàn bộ những gì có được sau 8 phiên tăng liên tiếp trước đó.

FPT cũng có một phiên giảm điểm tương đối khi mất 1,59%. Cùng với đó, hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ giao dịch theo chiều hướng tiêu cực. CMG giảm 4%, ELC giảm 2,8%, ICT giảm 6,2%.

Ngoài ra, dòng tiền có phần chốt lời mạnh ở nhóm cổ phiếu thuộc sàn UPCoM tăng nóng đợt vừa qua như MVN, TDS, ABC, TTN…

VRE tăng kịch trân và là cổ phiếu dẫn dắt phiên tăng hôm nay.

VRE tăng kịch trân và là cổ phiếu dẫn dắt phiên tăng hôm nay.

Nhóm cổ phiếu thép có một phiên giao dịch tương đối tốt khi HSG bật tăng 4,2%, việc HSG tăng mạnh đã góp phần giúp tạo hiệu ứng kéo các cổ phiếu ngành thép khác đi lên như NKG tăng 2%, VGS tăng 2,4%. HPG sau khi giảm trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch cũng được kéo lên mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển cũng có một phiên tích cực và khởi đầu là sự bứt phá đến từ HAH, cổ phiếu này đóng cửa phiên ở mức giá trần. VOS cũng tăng 4,6%, VSC tăng 3,3%, PVT tăng 2,5%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,44 điểm (0,19%) lên 1.256,56 điểm. Toàn sàn có 238 mã tăng, 161 mã giảm và 81 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,19%) lên 240,19 điểm. Toàn sàn có 85 mã tăng, 86 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%) xuống 98,83 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE phiên hôm nay đạt 835 tỷ đồng (giảm hơn 30% so với phiên trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt 835,3 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 6.380 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.031 tỷ đồng và 1.232 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng lượng lớn chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND.

Khối ngoại bán ròng lượng lớn chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND.

Khối ngoại vẫn là gánh nặng của thị trường khi duy trì đà bán ròng với giá trị 700 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất CCQ ETF FUEVFVND với 565 tỷ đồng, FPT và MWG bị bán ròng lần lượt 265 tỷ đồng và 129 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VCI với 86 tỷ đồng. HAH và MSN được mua ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-lay-lai-sac-xanh-vre-tang-kich-tran-nhom-cong-nghe-giam-sau-d218507.html